“Bơm vốn” giúp doanh nghiệp phục hồi
VOV.VN - Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, Chính phủ sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ về tài khóa, nguồn vốn…đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, Chính phủ sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ về tài khóa, nguồn vốn…đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng qua, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nhân thành phố đã nỗ lực cùng chính quyền thành phố thực hiện các biện pháp chống dịch, cũng như duy trì các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, khi chuyển sang trạng thái mới để phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu nguồn nhân lực, nguyên vật liệu sản xuất, giá cả, các yếu tố đầu vào tăng nhanh, dòng tiền bị đứt gãy và cạn kiệt…
Những yếu tố này đã đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế. Chính vì vậy, rất cần các quyết sách mang tính đột phá để tháo gỡ khó khăn, trợ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, phục hồi hoạt động nhanh chóng trong thời gian tới:
"Chúng tôi xin đề xuất, trước hết là bơm vốn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đang rất khó khăn, bảo lãnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể được tiếp cận vốn. Tiếp đến là chính sách tài khóa, doanh nghiệp được kéo giãn, hoãn nợ thuế, thời gian có thể kéo dài tới 2 năm, và coi như đây là những khoản quốc gia cho doanh nghiệp vay và trả lại. Doanh nghiệp cũng sẽ phải đảm bảo tính khả thi các phương án sản xuất kinh doanh, cũng như là tính minh bạch và sự giám sát chặt chẽ trong các hoạt động của mình"- ông Dũng kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm này, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho rằng, hiện nay, hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên cần hỗ trợ vay vốn, tái mở cửa để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất khi dịch dần được kiểm soát. Theo đó, có thể chia cấp độ nhỏ hơn đối với doanh nghiệp, các gói vay ưu đãi lãi suất thấp cho doanh nghiệp để tiếp cận:
Để có thể hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chiến lược kinh doanh liên tục với quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng, đồng thời khắc phục khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, sẽ phải có những cơ chế, chương trình đào tạo để tinh thần doanh nhân và tư tưởng lãnh đạo của các doanh nhân Việt Nam phải mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại mới./.