Bốn kịch bản cho giá xăng dầu

Thời điểm này, người tiêu dùng quan tâm tới việc Bộ Tài chính sẽ can thiệp vào thị trường xăng dầu theo hướng nào khi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng.

Theo thống kê và tính toán của doanh nghiệp (DN) đầu mối, diễn biến giá xăng dầu từ ngày 13 – 22/8 được đánh giá là tăng từ từ, khiến giá xăng dầu cơ sở bình quân 30 ngày trong thời gian này (9 ngày) tăng 1,85 – 2,78%). Mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành ở mức 1.100 đồng/lít xăng, 500 đồng/ lít/kg dầu, DN phát sinh lỗ.

Nhìn lại thị trường xăng dầu trong nước hơn một tháng qua, chúng ta thấy xu hướng điều chỉnh giá theo giá xăng dầu thế giới. Từ ngày 20/7 – 13/8 (22 ngày) đã có 3 lần điều chỉnh tăng giá và xu hướng này có thể tiếp diễn tới cuối năm. Ứng phó với diễn biến này, dự báo sẽ có 4 kịch bản được Bộ Tài chính sử dụng để điều tiết giá xăng dầu trong nước.

Ở kịch bản thứ nhất, Bộ Tài chính sẽ sử dụng thuế để điều tiết giá xăng dầu? Hiện nay, mức thuế nhập khẩu xăng dầu là 12%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế môi trường 1.000 đồng/lít và thuế VAT 2.000 đồng/lít. Tính ra, khi sử dụng xăng dầu người tiêu dùng phải thực hiện nghĩa vụ thuế 7.000 – 8.000 đồng/lít.

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn ngành mới thu được 46,7% dự toán; 24/64 tỉnh, thành phố đạt mức thu 48% dự toán. Với gói hỗ trợ DN trị giá 29.000 tỷ đồng, cộng thêm 10.000 tỷ đồng tiền giãn thu từ thuế sử dụng đất và 2.000 tỷ đồng miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1, ngân sách Nhà nước (NSNN) bị giảm thu tổng cộng 41.000 tỷ đồng. Vì thế, việc hy vọng Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh thuế xăng dầu về mức 0% như trước đây là khó xảy ra. Có chăng, thuế sẽ được giảm ở mức vừa phải, một mặt chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, mặt khác vẫn đảm bảo nguồn thu NSNN từ thuế xăng dầu.

Ở kịch bản thứ hai, quỹ bình ổn còn quá ít nên không thể trông đợi một hiệu ứng mạnh đối với việc kiềm chế giá xăng dầu.

Ở kịch bản thứ ba, Bộ Tài chính sẽ chấp nhận để DN đầu mối điều chỉnh giá xăng dầu? Với người tiêu dùng, đương nhiên không muốn kịch bản này xảy ra. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn các nước trong khu vực sẽ diễn ra tình trạng thẩm lậu qua biên giới, gây thiệt hại cho DN và người tiêu dùng.

Trong nước, hệ thống phân phối sẽ rối loạn, nguy cơ đứt nguồn hoàn toàn có khả năng xảy ra. Giá xăng dầu thấp khiến giá thành sản phẩm, dịch vụ khác không phản ánh đúng giá trị, gây méo mó hệ thống giá. Gần đây, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo việc sử dụng xăng dầu không hiệu quả. Trên các tuyến đường dài, nhiều chiếc xe tải khi chạy lượt đi thì đầy hàng, lượt về thì xe không; với người tiêu dùng dù chợ cách nhà chỉ mấy trăm mét vẫn sử dụng xe máy đi chợ… Việc sử dụng năng lượng không tiết kiệm, không hiệu quả dẫn tới tình trạng chi phí nhiều nhưng năng suất thấp.

Với thực trạng này, xác suất Bộ Tài chính sẽ chấp nhận để DN đầu mối điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới là khá cao.

Ở kịch bản cuối cùng, khả năng Bộ Tài chính sẽ chấp nhận giảm thuế và cho phép DN đầu mối được tăng giá một phần để đảm bảo vẫn duy trì được nguồn thu NSNN và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên