Bức tường 1 tỷ rao bán: Mua bán bất lực, sẽ bị thu hồi?
VOV.VN - Về bức tường 1 tỷ đồng rao bán tại Hà Nội, đại diện quận Cầu Giấy cho biết: "Nếu không thỏa thuận hợp thửa hợp khối được thì chúng tôi sẽ tổ chức thu hồi".
>> Hà Nội luẩn quẩn với xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo
Một bức tường có diện tích 1,7 m2, chiều rộng chỉ 14 cm nhưng lại được rao bán với giá hơn 1 tỷ đồng trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã thu hút được sự quan tâm của dư luận trong những ngày vừa qua.
Để làm rõ hơn về phương án xử lý đối với bức tường tiền tỷ này cũng như những trường hợp siêu mỏng, siêu méo khác, phóng viên Lưu Huyền đã phỏng vấn đại diện UBND quận Cầu Giấy - Bà Bùi Ngọc Diệp, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị.
PV: Trước hết xin bà cho biết chủ trương của quận Cầu Giấy khi xử lý trường hợp một bức tường được rao bán với giá trên 1 tỷ đồng trong khi diện tích chỉ 1,7 m2 tại đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài mà dư luận đang rất quan tâm?
Bà Bùi Ngọc Diệp: Đối với trường hợp này, khi thực hiện dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, quận Cầu Giấy đã lập quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường và đã xác định được tất cả những trường hợp hình thành các thửa đất không đủ điều kiện xây dựng gọi là siêu mỏng, siêu méo, trong đó có bức tường này.
Quận đã có thông báo thu hồi đất và vận động hợp thửa, hợp khối. Trong quá trình vận động rất là khó bởi vì hộ đằng sau hoàn cảnh rất khó khăn, không thể mua được với cái giá cao ngất ngưởng như hộ phía trước đề ra. Trường hợp này quận đã đề xuất phương án là nếu không thỏa thuận hợp thửa hợp khối được thì chúng tôi sẽ tổ chức thu hồi để thực hiện vào mục đích công cộng theo đúng quy định của Nhà nước.
Bà Bùi Ngọc Diệp - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Cầu Giấy trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV. |
PV: Vậy quận có lường trước được những khó khăn trong thực hiện vận động người dân hợp thửa, hợp khối hay không?
Bà Bùi Ngọc Diệp: Chắc chắn là có bởi vì khi xây dựng một tuyến đường đi qua khu dân cư làng xóm cũ thì việc hình thành những thửa đất không đủ điều kiện xây dựng là sẽ có. Trong quá trình làm quận đã rà soát, thống kê, tích cực vận động hợp thửa, hợp khối. Nhưng vẫn không tránh khỏi những khó khăn, vì việc hợp thửa, hợp khối này là mâu thuẫn giữa lợi ích của hộ đằng trước và hộ đằng sau. Quan trọng là phải tìm mọi cách vận động làm sao để hai bên đến được với nhau.
PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, tại sao lại không thu hồi luôn những phần diện tích thừa thẹo, méo mó chỉ có một vài mét vuông để tránh phát sinh những trường hợp siêu mỏng, siêu méo mà việc xử lý sau này chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn, thưa bà?
Bà Bùi Ngọc Diệp: Đây cũng là một bất cập cho quy hoạch của cả thành phố. Bởi vì đối với nhiều tuyến đường, khi thực hiện dự án tuyến đường thì chưa có quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường cũng như thiết kế đô thị hai bên tuyến đường cho nên việc xử lý các thửa đất siêu mỏng siêu méo này là việc làm rất khó. Vì khi phê duyệt tuyến đường thì chỉ phê duyệt dự án của tuyến đường trong chỉ giới đường đỏ, còn ngoài chỉ giới đường đỏ là chưa phê duyệt, cho nên cái việc thu hồi chưa triển khai được.
Trong thời gian tới cũng như là các quy định mới của thành phố, trước khi phê duyệt dự án tuyến đường thì phải phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường. Lúc đó sẽ có hướng xử lý luôn những trường hợp siêu mỏng, siêu méo hai bên tuyến đường.
PV: Là một đơn vị trực tiếp triển khai công tác giải phóng mặt bằng và cũng gặp nhiều khó khăn, bà có kiến nghị, đề xuất gì đối với các cấp chính quyền để công tác giải phóng mặt bằng khi mở đường tránh phát sinh các trường hợp siêu mỏng siêu méo, gây bức xúc trong dư luận?
Bà Bùi Ngọc Diệp: Một kiến nghị đề xuất rất quan trọng là trước khi phê duyệt dự án tuyến đường, chúng ta phải lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường. Từ đó sẽ có phương án để xử lý các trường hợp siêu mỏng, siêu méo. Trong trường hợp khi mà không thể xử lý được các trường hợp siêu mỏng, siêu méo thì biện pháp đề xuất là thu hồi.
Mới đây thành phố cũng ra Quyết định số 16 đã sửa đổi Quyết định số 15 về việc xử lý các trường hợp siêu mỏng siêu méo. Theo đó đối với những thửa đất không thực hiện hợp thửa, hợp khối được thì Nhà nước sẽ thu hồi theo quy định. Sau đó, trường hợp người dân ở phía trong có nhu cầu mua lại phần đất đó thì Nhà nước sẽ bán theo giá mà Nhà nước phê duyệt. Thành phố sẽ phê duyệt giá cho từng trường hợp cụ thể. Ở đây sẽ triệt tiêu được vấn đề là người ở ngoài đặt giá cao và người ở trong thì không thể mua được giá đó. Chắc chắn đây là điều kiện rất là thuận lợi cho chính quyền địa phương trong công tác xử lý các trường hợp siêu mỏng, siêu méo. Bởi vì ngoài việc thỏa thuận hợp thửa hợp khối thì đây cũng là một công cụ để mà chắp nối được cho hai bên đến được với nhau trong công tác hợp thửa hợp khối./.
PV: Xin cảm ơn bà!