Bức tường tiền tỷ ở Hà Nội làm “nóng” giải phóng mặt bằng

VOV.VN -Bức tường tiền tỷ ở Hà Nội là hệ lụy của việc kẻ 2 đường thẳng để giải phóng mặt bằng, làm phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo.

>> Hà Nội: Phát sinh hơn 400 nhà siêu mỏng, siêu méo

Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về một bức tường trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội có diện tích vỏn vẹn 1,7 m2, chiều rộng chỉ 14 cm nhưng lại được rao bán với giá trên 1 tỷ đồng. Bức tường đắt kỷ lục có vẻ hài hước này lại làm “nóng” lên vấn đề giải phóng mặt bằng khi mở đường ở Thủ đô Hà Nội. Đây vốn không phải là câu chuyện mới, nhưng một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi, đến bao giờ thì Hà Nội không còn phát sinh nhà, đất siêu mỏng, siêu méo mỗi khi mở đường?

Nếu như không có dòng chữ rao bán: “Sau khi giải phóng mặt bằng, gia đình tôi còn lại 1,7m2 đất, chiều dài 10,85m, chiều rộng 0,14m” cùng số điện thoại để người mua liên hệ với chủ nhân của mảnh đất này là ông Nguyễn Phương Châm, thì khó có thể nhận ra đây là phần đất còn lại sau giải phóng mặt bằng để mở đường.

Bức tường này hiện đang là tường chung giữa phần đất của ông Nguyễn Phương Châm và ông Nguyễn Anh Hiếu. Với giá rao bán trên 1 tỷ đồng, gia đình ông Nguyễn Anh Hiếu ở phía trong không có điều kiện để mua lại. Việc hợp thửa, hợp khối cho 2 thửa đất trở nên bế tắc khi hộ phía trong nhất định không bán ngôi nhà đang ở. Được biết, gia đình ông Nguyễn Anh Hiếu đã được UBND quận Cầu Giấy chấp thuận cho xây lại ngôi nhà cũ hiện nay. Nhưng nếu như một nửa bức tường vẫn thuộc phần đất của ông Nguyễn Phương Châm, thì việc xây dựng chắc chắn rất phức tạp.

Bức tường này là phần đất còn lại sau giải phóng mặt bằng, được chủ nhân rao bán hơn 1 tỷ đồng dù chỉ có 1,7 m2.

Ông Nguyễn Anh Hiếu lo lắng: “Nhà này xây từ khoảng năm 1980, tất cả móng và mái là chung nhau của 12 nhà, bình thường đã kém rồi, sau giải tỏa còn kém thêm nữa. 2 nhà còn lại này hơi bị nghiêng, ở trong cũng bị dột, hay rơi vữa xuống nên tôi cũng rất lo về vấn đề này. Nếu mà xây sửa lại nhà thì phải chừa lại bức tường này, chứ động vào thì không được”

Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài được ví là con đường đắt nhất hành tinh, với chiều dài chỉ khoảng nửa km nhưng tổng mức đầu tư lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Theo đại diện UBND phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, sau khi làm xong, đoạn đường này có 25 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo còn sót lại không đủ điều kiện cấp phép xây dựng. Hiện đã hợp thửa, hợp khối được 12 trường hợp, còn 3 trường hợp vẫn chưa có được tiếng nói chung, trong đó có bức tường của gia đình ông Nguyễn Phương Châm.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, ông Lý Chí Hồng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Thanh tra xây dựng cho biết, đơn vị này đã có văn bản chỉ đạo quận Cầu Giấy đẩy nhanh tiến độ giải quyết các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện xây dựng.

Ông Lý Chí Hồng - Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Thanh tra Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội.

Ông Hồng nói: “Sở Xây dựng cũng có kiến nghị thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, các tuyến đường trong quá trình giải phóng mặt bằng phải thực hiện phá dỡ toàn bộ phần bộ phận kiến trúc cũng như công trình nằm ngoài chỉ giới mở đường mà không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng như trường hợp ở đường Nguyễn Văn Huyên để xử lý, thu hồi theo quy định. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị quận Cầu Giấy đẩy nhanh tiến độ xử lý, sẽ thu hồi đối với các trường hợp nhỏ hơn 4 m2”.

Bức tường tiền tỷ có vẻ hài hước này là điển hình cho câu chuyện về những bất cập trong việc giải phóng mặt bằng để mở đường của Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là, vì sao các cơ quan chức năng không tính đến việc khi giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng thì thu hồi luôn những phần diện tích đất mỏng, méo, vẹo vọ không đủ điều kiện xây dựng để tránh xảy ra tình trạng bi hài như chuyện bức tường tiền tỷ? Dù chỉ là bức tường 1,7 m2, nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân, cho nên họ muốn làm gì thì làm, kể cả việc rao bán với giá trên trời để ép hộ phía trong phải mua nếu muốn ra mặt đường. Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu mở đường mà cứ giải phóng mặt bằng kiểu kẻ 2 đường thẳng như cách làm hiện nay, thì Hà Nội sẽ còn xuất hiện nhiều nhà, đất siêu mỏng, siêu méo.

Ông Hòa cho rằng: “Không biết phát huy quyền Nhà nước trong tay, trong đó không biết có tiêu cực không nhưng rõ ràng tự nhiên Nhà nước tỏ ra yếu kém. Nhà nước làm được, sao lại chỉ vì có mấy chục phân đất mà không làm. Có chuyện gì ở đấy không, hay là cách làm việc có vô trách nhiệm không. Đấy chính là lỗ hổng. Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, để tránh chuyện này thì người đã lấy luôn miếng đất đó, chấp nhận phí một tý, tức là giải tỏa thêm 1, 2 mét vuông đó để làm bãi cỏ mini hay là bảng quảng cáo gì đó, nhưng đó là của Nhà nước. Hiện tượng đó rõ ràng có thể khắc phục được.”

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm phân tích, câu chuyện bức tường tiền tỷ là hệ lụy của việc thiếu đồng bộ trong quy hoạch mở đường của Hà Nội. Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 nêu rõ, việc lập quy hoạch chi tiết trục đường mới trong đô thị phải đảm bảo yêu cầu: “phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 50 mét mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến; khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường; nghiên cứu không gian kiến trúc, hình khối công trình, khoảng lùi của các công trình cụ thể, bảo đảm tăng cường tính chỉnh thể và tính đặc trưng của khu vực”. 

Tuy nhiên, quy định này dường như đang bị “làm ngơ”. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, khi hỏi các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội thì nhận được câu trả lời là không có tiền để giải phóng mặt bằng đến 50 m. Thực tế là khi làm một con đường, đất 2 bên sẽ tăng giá trị gấp nhiều lần. Nếu các cơ quan Nhà nước không cải tạo, quy hoạch đô thị 2 bên đường thì lợi ích của việc tăng giá trị đất đai lại rơi vào túi tư nhân. Cuối cùng, Nhà nước lại phải lo đi xử lý, giải quyết nhà, đất siêu mỏng, siêu méo phát sinh, còn đường cả trăm, nghìn tỷ thì nham nhở, lộn xộn, mất thẩm mỹ.

“Thành phố không có một tổng tư lệnh, chỉ có từng binh chủng. Làm đường chỉ biết làm đường, làm nhà chỉ biết làm nhà, nghĩa là không có một vị tổng chỉ huy, mà chỉ có từng binh chủng, việc ai nấy làm. Việc tôi làm con đường chỉ rộng chừng này, còn thừa 10, 20 cm, 1-2 m không liên quan đến tôi. Chuyện đó rất là phi lý. Đó là do chỉ đạo của thành phố trong quản lý thực hiện quy hoạch đô thị. Với tư duy này thì sẽ không có một thành phố hiện đại được,” ông Liêm chia sẻ.

Theo kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội mới đây, trên địa bàn Thủ đô đã phát sinh thêm 442 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo, chủ yếu nằm trên các tuyến đường mới mở như Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Kim Mã – Trần Phú, Thành Nhàn, Vành đai 1, vành đai 2… Rõ ràng, cách giải phóng mặt bằng để mở đường của Hà Nội là chưa phù hợp, không đồng bộ và thiếu hiệu quả, cần thiết có sự thay đổi để không còn tồn tại những câu chuyện tương tự “bức tường tiền tỷ”, gây bức xúc dư luận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội luẩn quẩn với xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo
Hà Nội luẩn quẩn với xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo

VOV.VN -Những bất cập trong quản lý trật tự xây dựng nên nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn đua nhau dựng lên.

Hà Nội luẩn quẩn với xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo

Hà Nội luẩn quẩn với xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo

VOV.VN -Những bất cập trong quản lý trật tự xây dựng nên nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn đua nhau dựng lên.