Bước ngoặt trong thu hút kiều hối

VOV.VN - Đề án phát huy nguồn lực kiều hối là chính sách hoàn toàn mới vừa được UBND TPHCM thông qua, được các cơ quan, ban ngành Thành phố quyết liệt thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ.

Khơi thông hiệu quả

Ông Trịnh Hoài Nam, CEO Công ty kiều hối Vietcombank cho biết, trong thời gian qua, Công ty đã đóng góp khơi thông kiều hối từ nước ngoài vào Việt Nam, với doanh số năm 2023 là 1,8 tỷ USD. Với Đề án chính sách phát huy nguồn lực kiều hối của TP.HCM, doanh nghiệp rất tin tưởng trước sự chủ động của UBND thành phố, cấp ủy và Ngân hàng Nhà nước luôn theo sát tiến độ.

Theo ông Nam, các kênh để người Việt Nam ở nước ngoài có thể chuyển tiền về Việt Nam rất thuận lợi. Tuy nhiên hiện nay, một trong những nhu cầu rất cốt yếu của người gửi tiền, nhất là khi họ sử dụng nguồn kiều hối, nguồn tiền của mình cho các kênh đầu tư, thị trường bất động sản, là được trực tiếp quản lý và nắm bắt nguồn tiền, dòng tiền. Trong khi hiện nay hệ thống ngân hàng cũng như cơ chế chính sách trong nước vẫn chưa có sự phổ biến cho vấn đề này.

"Thực tế, không ít trường hợp khi có những khoản đầu tư sinh lợi thì lại có sự mâu thuẫn về quyền lợi, để rồi người gửi và nhà đầu tư thực sự từ nước ngoài chưa có được sự yên tâm. Điều này cần có chính sách khơi thông từ phía cơ quan quản lý, có thể không hẳn là một tài khoản thực sự mà một hình thức tài khoản đặc biệt để làm sao người gửi có thể trực tiếp quản lý và theo dõi được dòng tiền đầu tư của họ một cách hiệu quả" - ông Trịnh Hoài Nam chia sẻ.

Ông Nam cũng đề xuất thêm, trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cần bổ sung trường thông tin kê khai người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với các nhà đầu tư có gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, để phục vụ quản lý, khai thác dữ liệu liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, đầu tư kinh doanh ở thành phố theo quy định của pháp luật.

Từng có nhiều kinh nghiệm đưa các đoàn doanh nghiệp TP.HCM sang làm việc tại Hàn Quốc và ngược lại, ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) cho rằng không chỉ cơ quan quản lý hay chính quyền TP.HCM mà các hội đoàn, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với vai trò là “cánh tay nối dài” có thể tăng cường tính chủ động tương tác với cơ quan chức năng trong nước, có những biện pháp điều chỉnh phù hợp, kịp thời, làm sao tăng cường sự kết nối.

Theo ông Linh, từ việc hợp tác giữa địa phương với địa phương mang lại những hiệu quả thiết thực, các doanh nghiệp hoặc tập đoàn có thể trao đổi trực tiếp với nhau, và kiều hối có thể chảy về qua các dòng đầu tư từ những chương trình hợp tác như vậy.

Ông Linh cho rằng: "Kiều hối từ cộng đồng ở nước ngoài về, nhưng chúng ta còn rất nhiều những biện pháp khác có thể đẩy mạnh hơn nữa thông qua trung tâm thương mại kinh tế, các quỹ đầu tư và phải hình thành một mô hình hoạt động trung tâm thương mại tự do quốc tế. Từ đó có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kiều hối về TP.HCM".

Tán thành những giải pháp “rất bao quát” của Đề án với những nội dung trọng điểm để có thể phát huy hiệu quả kiều hối, Tiến sĩ Lê Thị Thanh, giảng viên Đại học quốc gia Úc cho rằng việc phát hành trái phiếu để thu hút nguồn đầu tư từ kiều bào có tính khả thi rất cao, nhất là trái phiếu 5 năm, 10 năm để xây dựng cơ sở hạ tầng, những dự án giáo dục, kinh tế xã hội.  

Tuy nhiên khi thực hiện, cần phát hành trái phiếu cho một dự án rất cụ thể và đơn vị chịu trách nhiệm huy động, đơn vị trả nợ phải có sự thống nhất, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, sẽ khó có cơ chế đảm bảo hiệu quả cho việc trả nợ. Ngoài ra, có thể thực hiện những chính sách ưu đãi như miễn hoặc giảm thuế cho năm đầu tiên kiều bào đầu tư nhằm tạo được hiệu ứng rộng hơn. Bên cạnh đó khuyến khích người dân ở Việt Nam sau khi nhận tiền có thể tiếp tục giữ lại tiền trong tài khoản ngân hàng và có những ưu đãi nhất định:

"Dĩ nhiên đây một hình thức trong giai đoạn ban đầu để khuyến khích người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa không sử dụng dịch vụ ngân hàng thường xuyên, giúp người ta làm quen với việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng và giữ kiều hối. Khi kiều hối được chuyển vào ngân hàng thì ngân hàng có trách nhiệm phân phối tín dụng, đó cũng là hình thức “tích tiểu thành đại” để đưa nguồn kiều hối được tái đầu tư vào sản xuất và vào nền kinh tế" - bà Thanh nêu ý kiến.

"Nắn dòng kiều hối" sinh lời cao

Với mục tiêu cụ thể hóa các giải pháp, đưa Đề án đi vào cuộc sống có hiệu quả, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết đơn vị này đang tập trung 3 nhóm nhiệm vụ chính. Trong đó sẽ tiếp tục làm tốt các hoạt động chi trả kiều hối, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới và đảm bảo đáp ứng tốt nhất, thuận lợi nhất cho người thụ hưởng, tức là người dân nhận kiều hối.

Đồng thời nghiên cứu, đề xuất những cơ chế chính sách phù hợp, vừa duy trì thu hút kiều hối vừa đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tiền này. Kiều hối về bản chất là nguồn tiền của kiều bào cho, tặng thân nhân, người thụ hưởng hoàn toàn chủ động trong việc sử dụng để chi tiêu, sửa chữa nhà cửa, mua phương tiện và tích lũy. Theo ông Lệnh, những việc này cũng là nguồn lực tốt cho xã hội, nhưng rõ ràng nếu định hướng tập trung được nguồn kiều hối nhỏ lẻ vào một dự án đầu tư phát triển nào đó thì hoàn toàn mang lại hiệu quả nhanh hơn, to lớn hơn. Đó cũng là ý nghĩa của đề án kiều hối.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu phối hợp với các sở, ngành liên quan để làm sao định hướng, theo một số chuyên gia nói là nắn dòng kiều hối hiệu quả. Ngoài ra chúng tôi vẫn nhận thức, truyền thông là một giải pháp hữu hiệu. Chúng ta hiểu về kiều hối nhưng để đại bộ phận người dân cũng như kiều bào hiểu những thông tin chính thống về cơ chế chính sách, về hiệu quả của nguồn kiều hối thì cần phải làm tốt nhóm giải pháp đi kèm" - ông Lệnh cho biết.

Mục tiêu của đề án thu hút kiều hối TP.HCM là phát huy được nguồn lực kiều hối theo hướng tạo lập những kênh dẫn cho người nhận kiều hối từ mục đích tiết kiệm sang kinh doanh và giúp cho người sở hữu kiều hối có cơ hội để nhận sinh lời cao hơn.

Đây được xem là một đề án hết sức mới của TP.HCM trong việc triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội. Việc đẩy mạnh thu hút kiều hối rất được kỳ vọng, bởi đây là một trong các nguồn lực để thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP.HCM.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP cho rằng khâu đầu tiên kiên quyết nhất phải là sự phối hợp hết sức nhịp nhàng của các cơ quan quản lý Nhà nước thì đề án mới triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần đẩy mạnh, đây là vấn đề cần quan tâm để gắn kết, hỗ trợ kiều bào.

"Việc chúng tôi quan tâm là thành lập một cơ chế tổ giúp việc, hay tổ tư vấn có thể tham mưu kịp thời cho lãnh đạo thành phố. Bởi vì giai đoạn thực hiện đề án kiều hối năm 2025 thì đến 2030, chúng ta chỉ có 5 năm để triển khai một dự án hết sức nhân văn, ý nghĩa, tạo đòn bẩy thúc đẩy cho kinh tế thành phố bằng nguồn lực hết sức mới" - bà Mai nói.

TP.HCM đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư và những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, tạo thuận tiện cho doanh nghiệp và người kinh doanh. Song song đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa đi xuất khẩu lao động tại các nước để thu hút kiều hối mạnh mẽ hơn. Các cơ quan chức năng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tạo hành lang hỗ trợ chuyển khoản kiều hối thuận tiện, giảm phí giao dịch, định hướng cho bà con thay đổi thói quen chuyển tiền qua kênh chính thức để đảm bảo an toàn và hỗ trợ nếu xảy ra sự cố.

Đồng thời, Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố cũng sẽ có danh mục đầu tư để thông tin đến kiều bào những lĩnh vực mà thành phố kêu gọi, như nông nghiệp, công nghiệp sạch, du lịch, đầu tư công, bệnh viện, trường học, hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế.

Đề án chính sách phát huy nguồn lực kiều hối được xây dựng trên cơ sở lĩnh hội Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Hiện nay lượng kiều hối chuyển về TP.HCM hàng năm đều tăng và duy trì mức tăng khoảng 10% mỗi năm. Năm 2023 lượng kiều hối đạt gần 9,5 tỷ USD. Số liệu thống kê 9 tháng năm 2024, kiều hối chuyển về TP.HCM khoảng 5,485 tỷ USD, thông qua các tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng và các công ty kiều hối, đạt tỷ lệ 77% so với cả năm 2023.

TP.HCM là địa phương có khoảng 2,8 triệu kiều bào đang sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong tổng số 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài của cả nước. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khuyến khích đầu tư từ kiều hối
Khuyến khích đầu tư từ kiều hối

VOV.VN - Cần khuyến khích đầu tư kinh doanh, xây dựng các chương trình đầu tư xã hội cho kiều bào và kết nối kiều bào với cơ hội kinh doanh trong nước. Đề xuất trên được đưa ra tại hội nghị triển khai đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030”, do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức ngày 11/10.

Khuyến khích đầu tư từ kiều hối

Khuyến khích đầu tư từ kiều hối

VOV.VN - Cần khuyến khích đầu tư kinh doanh, xây dựng các chương trình đầu tư xã hội cho kiều bào và kết nối kiều bào với cơ hội kinh doanh trong nước. Đề xuất trên được đưa ra tại hội nghị triển khai đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030”, do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức ngày 11/10.

Kiều hối chuyển về TP.HCM quý I tăng cao nhất trong 3 năm gần đây
Kiều hối chuyển về TP.HCM quý I tăng cao nhất trong 3 năm gần đây

VOV.VN - Kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm hơn 59 % tổng lượng kiều hối chuyển về trong quý I.

Kiều hối chuyển về TP.HCM quý I tăng cao nhất trong 3 năm gần đây

Kiều hối chuyển về TP.HCM quý I tăng cao nhất trong 3 năm gần đây

VOV.VN - Kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm hơn 59 % tổng lượng kiều hối chuyển về trong quý I.

Kiều hối năm 2023 gần bằng một nửa tổng thu ngân sách TP.HCM
Kiều hối năm 2023 gần bằng một nửa tổng thu ngân sách TP.HCM

VOV.VN - Trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2024 tại TP.HCM, sáng nay (2/2), đoàn kiều bào có buổi tham quan trụ sở UBND TP và gặp gỡ với lãnh đạo TP.

Kiều hối năm 2023 gần bằng một nửa tổng thu ngân sách TP.HCM

Kiều hối năm 2023 gần bằng một nửa tổng thu ngân sách TP.HCM

VOV.VN - Trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2024 tại TP.HCM, sáng nay (2/2), đoàn kiều bào có buổi tham quan trụ sở UBND TP và gặp gỡ với lãnh đạo TP.