Buôn lậu tinh vi: Tẩm ma túy vào quần áo để lọt lưới chức năng
VOV.VN -Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Dương Thái, mỗi người dân không sử dụng hàng lậu là đang chống buôn lậu.
Chiều 2/7, tại Bộ Tài chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Dương Thái, cho rằng: Cuộc chiến chống buôn lậu và gian lận thương mại không phải là việc riêng chỉ của các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu mà là của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Nếu mỗi người dân không mua và sử dụng hàng lậu cũng là một cách hỗ trợ cho cuộc chiến chống buôn lậu.
Tiêu hủy hàng lậu (Ảnh minh họa: KT) |
Cả hệ thống chính trị vào cuộc chống buôn lậu
Ông Thái cho hay, dù đã đấu tranh quyết liệt nhưng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục hoành hành. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.
“Sự ra đời của Ban chỉ đạo 389 có thể nói đã thay đổi cách thức chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bởi trước đó, việc chống buôn lậu chỉ là sự nỗ lực của các lực lượng chuyên trách. Nhưng từ khi có Ban chỉ đạo 389, các cơ quan, ban ngành từ Chính phủ; Ủy ban nhân dân, cấp ủy các tỉnh, thành phố đã vào cuộc cùng với các lực lượng chống buôn lậu của hải quan, biên phòng, công an, quản lý thị trường để cùng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tức là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc”- ông Thái nhấn mạnh.
Vì sao tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoành hành gây khó cho hàng thật trên thị trường nước ta? Ông Thái cho rằng, để trả lời câu hỏi này, Chính phủ mới đủ thẩm quyền. Tuy nhiên, từ góc độ ngành Hải quan, ông Thái chia sẻ:
Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, trước tình trạng buôn lậu ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi phức tạp, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, lực lượng Hải quan đã bắt giữ 8.148 vụ vi phạm với tổng trị giá ước tính lên tới 3.622 triệu đồng; thu nộp ngân sách Nhà nước 62.612 triệu đồng.
“Mặc dù số vụ vi phạm có giảm 15,74% so với cùng kỳ năm trước nhưng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính tăng 253,33%. Trong số đó, cơ quan Hải quan đã khởi tố 20 vụ và chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố là 38 vụ.”- ông Thái nhấn mạnh.
Tập trung triệt phá những đường dây, ổ nhóm buôn lậu
Đánh giá về thực trạng buôn lậu hiện nay, ông Thái cho biết: Thủ đoạn buôn lậu càng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, táo bạo hơn. Các đối tượng tổ chức thành các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng lậu, ma túy, những mặt hàng có thuế suất cao, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vi phạm môi trường,… vào nội địa Việt Nam.
Hiện nay, toàn ngành Hải quan có 36 đội chuyên trách chống buôn lậu trực thuộc 34 cục hải quan tỉnh, thành phố. Trong đó có 34 đội kiểm soát trên bộ và 2 đội kiểm soát trên biển trực thuộc Cục Hải quan Quảng Ninh, Cục Hải quan Nghệ An.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, chống buôn lậu là mặt trận luôn nóng bỏng. Do đó, 6 tháng cuối năm nay, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này bằng việc tập trung triệt phá những đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Đặc biệt, tại các sân bay, cơ quan Hải quan sẽ chú trọng hơn vào việc chống các vi phạm về vận chuyển ma túy với nhiều hình thức mới, tinh vi hơn, chẳng hạn như tẩm vào chăn, quần áo rồi đóng kiện hoặc giấu vào các vật dụng cơ quan chức năng không ngờ tới.
Ông Thái còn khẳng định ngành hải quan nhận thấy trách nhiệm của mình rất quan trọng trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại nên sẽ cùng với lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường làm tốt hơn nữa vai trò của mình để chống buôn lậu hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là trong địa bàn chủ trì của Hải quan./.