Cá lậu Trung Quốc ăn thuốc mê tràn ngập thị trường Hà Nội

Dân buôn cá Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam đang liên tục thay đổi hướng di chuyển để đưa vào nội địa. 

Đổi xe, tráo biển số, thuê “chim lợn” dẫn đường... phòng công an bắt giữ chưa phải những mánh khóe tinh vi nhất.

Mánh khóe tinh vi


Cá lậu dù liên tiếp “sa lưới” tại Hà Nội, nhưng có ít nhất 2 lý do khiến loại hàng này chưa thể được chặn đứng một sớm một chiều.

Thứ nhất: vì sự buông lỏng trong kiểm tra, xử lý của các ngành chức năng ở khu vực biên giới và các địa phương phía Bắc giáp với Hà Nội.

Thứ hai: nhu cầu tiêu thụ cá của người dân tăng cao, trong khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ, giá bán một số loại cá ta thường cao hơn hàng lậu từ 30-40%. “Cá Trung Quốc về Hà Nội không giảm, di chuyển ngày càng tinh vi nhằm đối phó với sự kiểm tra, bắt giữ của lực lượng công an trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường - CATP Hà Nội khẳng định.

Cá lậu thời điểm trung tuần tháng 4, khi lực lượng chức năng chưa tung quân vây bắt vẫn thường “đổ” về chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai), nhưng từ đầu tháng 5-2013 đến nay, mỗi loại cá lại “bơi” về một địa chỉ. 

Cá nhập lậu đóng trong các thùng xốp, tập kết tại Quảng Ninh


Cá tầm, cá trình về Hà Nội giờ không còn xuống hàng ở chợ đầu mối, mà đến thẳng các kho, bể chứa của chủ buôn. Các đại lý phân phối sẽ trực tiếp chuyển vào các nhà hàng theo đơn đặt hàng; cá trê giống sẽ sang hàng ngay ở ngoại thành, chuyển về các hồ nuôi các tỉnh lân cận; cá trắm, cá quả trưởng thành chỉ một phần xuống hàng ở chợ cá Yên Sở, phần còn lại chuyển sang khu vực chợ Long Biên (quận Ba Đình) - Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội PCTP trong lĩnh vực Y tế - VSATTP cho hay về những thủ đoạn di chuyển mới của dân buôn.

Cá Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam được trinh sát Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường xác định theo 2 đường chính - khu vực giáp biên thuộc 2 tỉnh Quảng Ninh và Cao Bằng. Cá, ếch từ bên kia biên giới sau khi vượt sông Ka Long vào khu vực biên giới Việt Nam, sẽ được đổ vào các hồ chứa mini. Xe chở cá sau đó được những đối tượng “bảo kê” tạo điều kiện áp sát hồ chứa để mua hàng, đóng thùng, bơm thuốc mê rồi chuyển sâu vào nội địa - trinh sát Đội 6 thông tin sau nhiều ngày giám sát đường dây buôn cá lậu ở các tỉnh phía Bắc.

Vất vả ngăn chặn

Thay vì đi 1 xe hàng như trước đây, các đường dây buôn cá chấp nhận lỗ, cho đi kèm hàng một xe ô tô không tải. Hai xe này di chuyển cách nhau 5-7km, kịp thời phát hiện các chốt, trạm kiểm tra, nơi lực lượng chức năng thường mai phục. Gần về đến Hà Nội, cá nhập lậu sẽ được bốc sang xe không tải, tráo biển số, tiếp tục thuê “chim lợn” đi xe máy dẫn đường lọt sâu vào các quận nội thành - trinh sát Đội 6 kể, đồng thời cho hay thủ đoạn này đang ít nhiều gây khó khăn cho công an suốt quá trình theo dõi.

Thay đổi xe trên đường, tráo biển số, thuê “chim lợn” dẫn đường... chưa phải là những mánh khóe tinh vi nhất của dân buôn cá lậu. 6 vụ “cất lưới” những ngày qua, lực lượng công an phát hiện chủ một số xe cá sử dụng giấy kiểm dịch quay vòng hòng đối phó khi gặp lực lượng kiểm tra. Giấy kiểm dịch được xác định do Chi Cục thú y tỉnh Ninh Bình cấp, nơi có các trại cá giống, hồ cá thương phẩm. Theo Trung tá Phạm Giang Sơn: Giấy kiểm dịch cá có hạn dài tới 10 ngày, với lộ trình di chuyển: Ninh Bình - Quảng Ninh - Hà Nội. Nếu không cử trinh sát đeo bám xe hàng từ khu vực biên giới, với bộ giấy kiểm dịch này, trường hợp lực lượng chức năng Hà Nội có chặn xe cũng để lọt vi phạm, bởi những tập giấy tờ, hợp đồng vận chuyển cá “hợp lệ”.

Cá tầm được thả trong các hồ nuôi mini chờ tỉnh thuốc mê

 Sau bánh kẹo, gia vị, nội tạng động vật, cá nhập lậu từ Trung Quốc, không rõ chất lượng là mối lo mới “nổi” với người tiêu dùng. So với nầm lợn, lòng trâu bò, đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường thừa nhận, “bắt” cá lậu khó hơn nhiều. Theo quy định hiện hành trong lĩnh vực thủy sản, cá thương phẩm (trừ cá giống) vận chuyển trong nước không cần qua kiểm dịch. Để chứng minh cá nhập lậu từ nước ngoài, buộc các chủ hàng thừa nhận hành vi vi phạm, lực lượng công an phải dày công theo dõi, trinh sát ngày đêm ở các điểm tập kết, phục vụ việc vây bắt, tiêu hủy cá không rõ nguồn gốc./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên