Cà Mau quản lý tàu cá hiệu quả hơn nhờ phần mềm
VOV.VN - Tỉnh Cà Mau đã ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa tàu cá lên phần mềm nhằm quản lý dễ dàng hơn. Các phần mềm đã chứng minh hiệu quả.
Quản lý tàu cá là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chống Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) nhưng lại rất khó thực hiện. Những khó khăn cơ bản là cơ quan chức năng chưa quản lý được tàu cá 3 không (không đăng ký, đăng kiểm, cấp phép); số tàu cá đủ hồ sơ để hoạt động cũng không thể biết hết được đang trong bờ hay ngoài biển.
Để giải quyết khó khăn nêu trên, tỉnh Cà Mau đã ứng dụng công nghệ thông tin, đưa “Phần mềm quản lý liên thông kiểm soát tàu cá” vào sử dụng. Chính quyền cấp xã sẽ cử lực lượng đến nhà ngư dân có tàu để thu thập thông tin, số hóa lên phầm mềm.
Với những tàu cá đủ điều kiện hoạt động nhưng nằm bờ, định kỳ 15 ngày sẽ cập nhật thông tin lên phần mềm 1 lần, có hình ảnh và định vị vị trí neo đậu kèm theo. Với những tàu 3 không, lực lượng làm nhiệm vụ đến nhà ngư dân đăng ký lần đầu để xác minh, truy vết, lập biên bản làm việc và yêu cầu chủ tàu ký cam kết. Những thông tin này đều được đưa lên phần mềm.
Anh Nguyễn Văn Thức, người phụ trách việc cập nhật thông tin tàu cá ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Thực hiện theo công văn hướng dẫn của ngành nông nghiệp, những ghe đang neo đậu bờ thì đi trực tiếp đến chủ ghe, yêu cầu thông tin về tình hình ghe biển, họ cũng phải ký cam kết, rồi mình chụp lại những hình ảnh phục vụ số hóa. Cứ 15 ngày qua lại chụp ảnh, xác minh 1 lần, rồi đưa lên phần mềm gửi về. Nếu tàu không còn ở bờ thì nguyên nhân thế nào, ra khơi đánh bắt thì thiết bị giám sát hành trình phải bật, khi đó đã có hệ thống quản lý giám sát chung".
Nước ta hiện có hơn 84.700 tàu cá; trong đó còn khoảng 9.500 tàu cá “3 không”. Tỉnh Cà Mau đang có hơn 4.300 tàu cá, hiện còn 274 tàu cá “3 không”. Thêm một khác biệt, cơ quan chức năng Cà Mau muốn biết hiện trạng các tàu cá “3 không” chỉ cần lên phần mềm tra sẽ ra.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ vào ngày 17/10 tại Cà Mau, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, việc quản lý tàu cá bằng phần mềm liên thông rất thuận lợi. Nội dung cập nhật thông tin tàu cá do cấp xã thực hiện nhưng cơ quan quản lý cấp trên ở bất kỳ đâu cũng xác định được xã nào, thực hiện ra sao, đạt bao nhiêu? Với phần mềm này, khi đoàn công tác của EC đến kiểm tra, dù họ yêu cầu kiểm tra tàu cá nào, chỉ cần vào hệ thống nhập là truy được thông tin cơ bản về tàu cá để cung cấp.
Bên cạnh phần mềm quản lý tàu cá liên thông, tỉnh Cà Mau cũng xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý tàu cá ra vào cửa biển. Bộ Quốc phòng nhận thấy hiệu quả và đã đề nghị áp dụng cho các tỉnh ven biển khác để quản lý tàu cá.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UND tỉnh Cà Mau, nêu rõ: "Phần mềm kiểm soát tàu cá ra vào cửa biển cũng liên thông. Các cảng cá, đồn biên phòng đều nắm được số liệu, nắm được tàu ra vào. Chúng tôi đã áp dụng thành công, nhưng tỉnh Cà Mau chỉ làm được trên địa bàn, còn tàu tỉnh Cà Mau mà ở tỉnh khác thì không quản lý được. Cho nên bộ Quốc phòng mới chỉ đạo, cho Biên phòng áp dụng phần mềm này cho cả nước".
Đối với các tàu đánh bắt trên biển bị mất kết nối thiết bị giám sát. Theo quy định, cứ 6h chủ tàu hoặc tài công phải báo tình hình hình tàu cá 1 lần. Vấn đề này áp dụng vào thực tiễn còn tồn tại việc, làm sao lưu trữ lại thông tin để làm căn cứ xử lý. Cà Mau đã sử dụng hình thức quản lý cuộc gọi như 1 tổng đài tự động để ghi nhận lại các kết quả. Hồ sơ sẽ được lưu trữ toàn bộ và khi cần chỉ cần vào truy xuất là rõ.
Phát biểu trong buổi làm việc về công tác chống Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định tại Cà Mau vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị, các bộ ngành liên quan và các địa phương cần triển khai việc thu thập đầu đủ dữ liệu để có thể quản lý tàu cá hiệu quả hơn.
"Kinh nghiệm của tỉnh Cà Mau là phải xây dựng được một cơ sở dữ liệu. Nếu Bộ Quốc phòng đã có dữ liệu đó rồi, tôi đề nghị Bộ Quốc phòng cùng Bộ NN-PTNT kiểm tra xem đã được chuyển giao cho các tỉnh thành ven biển chưa. Khi đã có dữ liệu thì trong thời gian ngắn nhất, phần mềm đó phải được chuyển giao cho các cơ quan quản lý. Dữ liệu của bộ, dữ liệu của các địa phương phải là dữ liệu hòa nhập, dùng chung và phải cung cấp cho các lực lượng chấp pháp", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý, việc tháo thẻ vàng là nhiệm vụ phải thực hiện để hướng tới đánh bắt bền vững, đảm bảo lợi ích của ngư dân, để ngư dân yên tâm bám biển chứ không phải để đối phó. Các địa phương và các bộ ngành liên quan, cần quyết liệt truy vết, thực hiện các giải pháp để chấm dứt tình trạng tàu cá 3 không. Về xử lý vi phạm IUU, cần đảm bảo nghiêm nhưng phải hợp tình, hợp lý.