Các chính sách về ngoại hối đi vào cuộc sống

Sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, cùng những quy định về mức lãi suất của NHNN, thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng đã chứng kiến những chuyển biến tích cực.  

Tín hiệu tích cực, rõ nét nhất từ thị trường ngoại hối, tiền tệ là các chợ đen mua bán ngoại tệ tự do gần như không hoạt động, tỷ giá mua - bán ngoại tệ, vàng không còn lên cơn sốt bất thường như trước đây.

Các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện đồng bộ và quyết liệt trong thời gian qua đã kiểm soát được thị trường ngoại tệ, tỷ giá mua bán ngoại tệ giảm và dần dần đi vào ổn định.

Để tiền đồng là đồng tiền duy nhất giữ chức năng tiền tệ trên lãnh thổ Việt Nam,
các chính sách phải được thực hiện quyết liệt, dài hơn

Nhận định về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, định hướng chính sách như vậy là hoàn toàn đúng và hết sức cần thiết. Thực tế là trên lãnh thổ Việt Nam diễn ra tình trạng gần như có ba đồng tiền tồn tại cùng một lúc: Việt Nam đồng, USD và vàng. Đây là điều bất hợp lý và bất cập cho nền kinh tế, nhất là đối với những giao dịch lớn sử dụng số vốn lớn.

Theo chuyên gia này, biện pháp mà Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 11 cũng như những chính sách của Ngân hàng Nhà nước để Nhà nước kiểm soát tốt hơn đối với vàng, USD, hạn chế giao dịch vàng dần dần xuống là những định hướng hoàn toàn đúng đắn, chính xác và cần phải theo đuổi.

Trong nhóm các giải pháp được ban hành của Ngân hàng Nhà nước, đáng chú ý là nhóm giải pháp mang tính chính sách đã có những tác động rõ rệt như: việc điều chỉnh tỷ giá tiền đồng Việt Nam và USD và biên độ giao dịch đã góp phần giảm chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường tự do.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bên liên quan cũng tổ chức kiểm soát chặt chẽ giao dịch ngoại hối trên thị trường tự do và đến nay, thị trường tự do đã gần như không có giao dịch. Cùng lúc, thị trường vàng cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn trước.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tỷ giá ổn định sẽ góp phần hạn chế bớt tác nhân gây ra lạm phát. Khi ổn định được tỷ giá trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng lên thì sẽ tránh được tình trạng lạm phát kép.

Để hạn chế tác động của đồng USD đối với nền kinh tế, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 09, quy định trần lãi suất huy động USD không quá 3%, đồng thời sẽ nâng dự trữ bắt buộc từ 4% lên 6% đối với tiền gửi ngoại tệ cá nhân bằng USD. Theo Giáo sư Michel Henry Bouchet – Chuyên gia Pháp về lĩnh vực Ngân hàng quốc tế thì biện pháp này là bước đi đầu tiên và đúng đắn để giúp ngăn chặn nguy cơ đô la hóa, chấm dứt hoạt động buôn bán ngoại tệ tại thị trường tự do và gia tăng việc lưu trữ vàng.

Giáo sư Henry Bouchet phân tích: Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt một biện pháp là áp trần lãi suất huy động với ngoại tệ là 3%/năm, giúp người dân có hứng thú hơn với tiền đồng, với lãi suất 14%. Nhưng điều đó là chưa đủ.

Theo Giáo sư Bouchet, Việt Nam cần kìm hãm tốc độ tăng trưởng “quá nóng” của 5 năm qua. Ưu tiên hiện tại phải là ổn định và tăng trưởng bền vững, phát triển phải là tăng trưởng GDP cộng với các nhân tố giáo dục, quản trị, cơ sở hạ tầng tốt trong dài hạn. Đặc biệt kiềm chế lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu.

Việc Ngân hàng Nhà nước cùng lúc điều chỉnh cả hai vấn đề liên quan đến USD là mong muốn thị trường ngoại hối dần dần ổn định theo khuôn khổ phù hợp. Trong đó có sự quản lý nhà nước bằng cách khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu để cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Qua đó giảm tỷ lệ đôla hóa trong nền kinh tế, đồng thời thu hút nguồn ngoại tệ nước ngoài, nguồn kiều hối của kiều bào. Mục tiêu này nằm trong lộ trình và có những tính toán hợp lý.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng: Để thị trường ngoại hối ổn định trong một thời gian dài thì đòi hỏi các chính sách phải quyết liệt và tăng liều lượng vào thị trường, tức là xóa đi kì vọng tăng tỷ giá của doanh nghiệp và người dân trong thời gian vừa qua. Muốn vậy, phải hướng đến ổn định tỷ giá lâu dài và ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát.

“Chúng ta phải đẩy 2 giải pháp, 2 mũi nhọn đó là chính sách tài khóa phải thắt chặt để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước và chính sách tiền tệ phải hết sức chặt chẽ, thận trọng, đúng mục tiêu nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu và hỗ trợ nông nghiệp nông thôn”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho biết.

Một loạt chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển đổi các dòng vốn, thậm chí là một tiền đề để hạ lãi suất. Tuy nhiên, để tiền đồng là đồng tiền duy nhất giữ chức năng tiền tệ trên lãnh thổ Việt Nam, chúng ta phải loại bỏ vai trò chức năng tiền tệ của vàng và USD, quyết liệt thực hiện chính sách ngoại hối, kết hợp nghiêm ngặt và xóa bỏ hoạt động kinh doanh vàng miếng tự do.

Vấn đề mà các ngân hàng cũng như người dân kỳ vọng hơn chính là sự điều hành linh hoạt, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước và xa hơn nữa là ổn định giá trị tiền đồng Việt Nam, góp phần cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2011./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên