Các đặc khu kinh tế sẽ tăng thu nhập bình quân gấp 6 lần hiện nay
VOV.VN - Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ làm gia tăng lượng việc làm và nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có Tờ trình đề nghị xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gửi Chính phủ và khẳng định: Việc xây dựng dự án luật này là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đã được Đảng và Quốc hội thông qua.
Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ tạo bước đột phá về thể chế hành chính – kinh tế ở những khu vực có vị trí, tiềm năng đặc biệt thuận lợi nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc sẽ giúp tăng thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030. (Ảnh minh họa: KT) |
Tờ trình của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, việc áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, gia tăng thu nhập bình quân đầu người, hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại.
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tính toán lợi thế của việc áp dụng Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cho 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Cụ thể như đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh) đến năm 2030 sẽ tạo thêm việc làm mới cho khoảng 132.000 người với mức lương bình quân là 9.500 USD/năm.
Cùng với đó, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) sẽ tạo thêm việc làm mới cho khoảng 65.000 người với mức lương bình quân 9.000 USD/năm và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ tạo thêm việc làm mới cho khoảng 57.600 người.
Kết quả đánh giá tổng hợp của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho thấy, sau năm 2020, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ có đóng góp lớn về thu ngân sách, tăng trưởng GDP cũng như thu nhập bình quân đầu người.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn sẽ tăng lượng đóng góp lên tới 1,9 tỷ USD về thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất.
Giá trị gia tăng của các doanh nghiệp tăng lên khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030, nâng mức đóng góp GRDP của Vân Đồn vào GRDP của tỉnh Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030. Từ đó, mức thu nhập bình quân đầu người của Vân Đồn sẽ tăng lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD đến năm 2030.
Tương tự, tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí; 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 -2030, nâng mức đóng góp GRDP của Bắc Vân Phong vào GRDP của tỉnh Khánh Hòa lên 3% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030. Mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD đến năm 2030.
Đặc khu kinh tế Vân Đồn: Nhiều dự án nghìn tỷ tăng tốc về đích
Nếu quy chiếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thời điểm hiện tại, bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam ước tính vào khoảng 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, thì với mức thu nhập bình quân đầu người tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trong tương lai sẽ tăng từ 4 – 6 lần so với hiện nay/.