Các ngân hàng trung ương cân nhắc loại bỏ lãi suất LIBOR

Lãnh đạo các ngân hàng trung ương và các nhà quản lý sẽ thảo luận liệu nên cải cách hay loại bỏ lãi suất LIBOR vào tháng 9/2012.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BOE) Mervyn King trong bức thư gửi tới các ngân hàng trung ương, cho rằng "rõ ràng cần cải cách mạnh hệ thống LIBOR". Ông King đưa vấn đề về lãi suất LIBOR nằm trong chương trình nghị sự của Ủy ban tư vấn kinh tế của các ngân hàng trung ương toàn cầu tổ chức tại Basel, Thụy Sĩ ngày 9/9, theo một nguồn tin từ BOE cho biết.

Cũng tại Basel, tuần tiếp sau tiếp tục thảo luận về vấn đề tại Ban chỉ đạo của Hội đồng ổn định tài chính, do Thống đốc ngân hàng Canada Mark Carney chủ trì.

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke và ông Mark Carney hôm 18/7 đưa ra các lựa chọn thay thế lãi suất liên ngân hàng London (LIBOR), lãi suất bị một số ngân hàng thao túng trong giai đoạn 2007-2009.

Ông Carney trả lời phỏng vấn tại Ottawa về một số khả năng thay thế nếu lãi suất LIBOR bị hủy hoại tới mức không thể cải tổ. Ông đưa ra khả năng sử dụng các lãi suất hợp đồng mua lại (repo) và lãi suất hoán đổi qua đêm (Overnight Index Swap rate), 2 khả năng cũng được ông Bernanke đưa ra tại Washington ngày 18/7. Ông Bernanke cũng đề cập tới khả năng thay thế khác là lãi suất trái phiếu kho bạc, tuy nhiên cho biết Fed chưa quyết định ủng hộ giải pháp cụ thể nào.

Lãi suất LIBOR được sử dụng để tham chiếu cho 550 nghìn tỷ USD hợp đồng phái sinh và tác động tới nhiều công cụ tài chính từ các khoản thế chấp cho tới thẻ tín dụng. LIBOR được tính toán hàng ngày tại London cho USD cũng như các tiền tệ khác, dựa trên ước tính của các ngân hàng về chi phí đi vay ngân hàng khác của họ.

Hàng chục ngân hàng, bao gồm cả JPMorgan Chase và Deutsche Bank đang bị điều tra liên quan tới bê bối thao túng tỷ giá lãi suất này. Các ngân hàng bị nghi ngờ hạ thấp lãi suất LIBOR để thu lợi nhuận từ các giao dịch, cũng như che giấu chi phí vay của mình suốt cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Ngân hàng Barclays của Anh đã thừa nhận việc thao túng lãi suất với các nhà quản lý Mỹ và Anh, chấp nhận nộp phạt 453 triệu USD./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên