Các nhà máy chế biến sẽ tích cực hỗ trợ người dân vùng lũ trồng sắn
VOV.VN - Thời gian tới các nhà máy sẽ ký hợp đồng đầu tư giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sắn giúp nông dân miền Trung trồng sắn phục hồi sản xuất sau bão lũ.
Mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sau lũ, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp khó khôi phục. Thời gian qua, những phần quà hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân chung tay cùng bà con ổn định cuộc sống.
Hai xã Dương Thủy và Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là nơi chịu thiệt hại nặng nề của đợt mưa lũ lịch sử. Người dân nơi đây phát triển kinh tế chủ yếu nhờ trồng lúa, sắn, hoa màu. Lũ quét qua cuốn trôi tài sản, hoa màu, lương thực... hầu hết người dân rơi vào cảnh trắng tay. Đã gần 1 tháng khi lũ dữ qua đi nhưng bà con chưa thể khôi phục sản xuất. Ruộng đồng bị bồi lấp, cây con giống bị cuốn trôi, hư hỏng khiến bà con gặp nhiều khó khăn.
Ông Võ Sỹ Hưng, ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, chưa bao giờ thấy lũ lớn như vậy, toàn bộ thóc lúa vụ Hè Thu của gia đình vừa thu hoạch kê lên tận mái nhà nhưng nước vẫn dâng cao làm ướt hết. Số lúa giống và lúa lương thực ngâm nước dài ngày mọc mầm hư hại. Ngoài lúa bị hư hại, diện tích trồng sắn của người dân chưa kịp thu hoạch bị thối củ, mất trắng.
“Cơn lũ lịch sử hao hại vật chất, của cải rất lớn. Việc khắc phục chỉ 1 phần nào đó, bà con vẫn nhờ các cấp quan tâm hỗ trợ về con giống, cây trồng nông nghiệp”, ông Hưng mong muốn.
Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, vừa qua hiệp hội đã đến vùng lũ, khảo sát vùng trồng sắn bị thiệt hại tại huyện Lệ Thủy để tìm giải hỗ trợ pháp khôi phục sản xuất giúp bà con nơi đây. Theo đó, mưa lũ gây thiệt hại hơn 30 ha trồng sắn địa phương này. Tỉnh Quảng Bình có hơn 4.500ha canh tác sắn có liên kết với 2 nhà máy sản xuất tinh bột sắn.
Theo ông Nghiêm Minh Tiến, để hỗ trợ giúp địa phương vượt qua khó khăn, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã trao 80 suất quà mỗi suất trị giá 2 triệu đồng tặng người dân 2 xã Dương Thủy và Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy. Thời gian tới các nhà máy sẽ ký hợp đồng đầu tư giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sắn giúp nông dân phục hồi sản xuất.
“Đoàn công tác đã đi qua những cánh đồng nước ngập, tất cả cây trồng bị mất hết khiến bà con rất khó khăn. Hiệp hội Sắn Việt Nam đã phát động mỗi cán bộ công nhân viên quyên góp tiền để mang tình cảm đến với bà con, chia sẻ với bà con để vượt qua thời điểm khó khăn này”, ông Tiến chia sẻ./.