Các trung tâm tài chính sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam
VOV.VN - Các trung tâm tài chính sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Hội nghị do Bộ kế họach - Đầu tư và UBND TP.HCM tổ chức sáng 4/1.
Cần hoàn thiện hạ tầng
Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo nghị quyết của Chính phủ, Trung tâm Tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM và Trung tâm Tài chính khu vực đặt tại Đà Nẵng. Việc thành lập 2 trung tâm này sẽ được Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hệ thống tài chính toàn cầu đang dần định hình lại. Thế giới đang có nhu cầu phát triển các trung tâm tài chính mới, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đặc thù, phục vụ các thị trường ngách. Qua đó, Việt Nam có thể tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển.
Việc thành lập các trung tâm tài chính này đóng vai trò quan trọng giúp kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới. Nó tạo một bước chuyển mới, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Để thành lập các trung tâm tài chính này, TP.HCM và Đà Nẵng cần tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực và hạ tầng cứng, hạ tầng mềm.
Cần tập trung chuẩn bị các điều kiện để tạo thuận lợi phát triển các trung tâm tài chính, đó là hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống…Tập trung vận động thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại các trung tâm tài chính này.
Về việc phát triển các trung tâm tài chính, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các địa phương cần nhận diện những khó khăn và thách thức của nó để có chính sách phù hợp, bởi các trung tâm này sẽ cạnh tranh với các trung tâm tài chính trong khu vực đã phát triển lâu đời và khẳng định vị thế như Hồng Kông, Singrapore, Thượng Hải… Đồng thời, phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao và hạ tầng công nghệ cao đủ khả năng đáp ứng yêu cầu các trung tâm tài chính.
Về cơ sở hạ tầng công nghệ cho các trung tâm tài chính sắp tới, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã có những bước chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu nêu trên. Khi thành lập trung tâm tài chính, hạ tầng số của TP.HCM và Đà Nẵng phải thuộc top các nước phát triển, ở thứ hạng 30 trên thế giới, nhưng hiện giờ mạng 5G ở 2 TP này mới phủ sóng đạt 20%. Ngay trong năm nay, các doanh nghiệp viễn thông sẽ phủ sóng 100% ở 2 thành phố này với tốc độ gấp 10 lần mạng 4G. Khi đó, mạng 5G của 2 TP này sẽ đạt cấp độ của các nước phát triển.
Về điện toán đám mây, các doanh nghiệp tài chính có nhu cầu sử dụng dịch vụ này rất cao với yêu cầu an toàn, chi phí thấp và tăng khả năng mở rộng. Tuy nhiên, TP.HCM và Đà Nẵng có năng lực xử lý điện toán đám mây trên đầu người khá thấp, thấp hơn Singrapore 130 lần, kém Thái Lan 3 lần. Để cải thiện tình trạng này trong thời gian tới, Chính phủ đang tích cực kêu gọi đầu tư và gần đây đã có nhà đầu tư.
Về hạ tầng dữ liệu, Bộ trưởng Mạnh Hùng cho rằng: TP.HCM và Đà Nẵng có trung tâm dữ liệu lớn nhất là 15MW. Đã là trung tài chính thế giới và khu vực thì phải có trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn từ 30-100 MW, đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay đã có các doanh nghiệp cam kết về đầu tư, TP.HCM cần chuẩn bị đất đai, điện, nước… cho các trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn, tốt nhất là ngay trong năm 2025.
Cần hoàn thiện thể chế
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP là động lực để thành phố bứt phá phát triển về kinh tế. Ông cho biết, Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM được quy hoạch gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm tại TP.Thủ Đức. TP.HCM đã chủ động từ sớm, chuẩn bị mọi nguồn lực để xây dựng và vận hành Trung tâm tài chính. Cùng với đó, TP sẽ thu hút nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia, nhà khoa học, huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa.
TP.HCM tiếp tục nghiện cứu và đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, khuyến khích, thu hút bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Các tổ chức tài chính, ngân hàng, định chế đầu tư, quỹ tài chính phát triển thị trường tài chính tại đây sẽ được đảm bảo an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững. TP tập trung bố trí nguồn lực, huy động các nguồn lực xây dựng phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 2 con số nên cần nguồn vốn đầu tư của xã hội rất lớn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc xây dựng các Trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp Việt Nam kết nối, thu hút thêm nguồn lực mới, tạo động lực tăng trưởng mới. Để huy động và phát huy được nguồn lực này, TP.HCM và Đà Nẵng phải xây dựng cơ chế đặc thù phù hợp với địa phương.
Cách làm của chúng ta hoàn thiện thể chế. Thứ hai là phải "Việt Nam hóa" những tinh hoa của thế giới về lĩnh vực này. Chúng ta học tập kinh nghiệm của thế giới nhưng phù hợp với điều kiện của Việt Nam, phải chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và tổ chức công nghệ quản lý cho việc phát triển các trung tâm tài chính này.