Các vị Bộ trưởng đã chia sẻ gì sau khi được Quốc hội phê chuẩn?
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ NN&PNTN đã chia sẻ những quyết tâm trong chương trình hành động của mình ở nhiệm kỳ mới.
Sáng 28/7, Quốc hội khóa XIV đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng đối với các thành viên Chính phủ gồm 5 Phó Thủ tướng, 17 Bộ trưởng và 4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Chi thường xuyên phải gắn với hiệu quả”
Chia sẻ với báo chí về chương trình hành động trong nhiệm kì này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thách thức về mặt tài chính ngân sách trong giai đoạn tới có rất nhiều, gắn với an ninh, an toàn tài chính quốc gia như vấn đề tiến hành tái cơ cấu lại NSNN, tái cơ cấu chính sách thu, chi để đảm bảo cơ cấu chi hợp lý của dự toán NSNN. Đồng thời phải đảm bảo vấn đề an toàn, an ninh tài chính gắn với đảm bảo an toàn nợ công.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: Zing.vn) |
Theo chương trình của Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát tổng thể các chính sách chi để đảm bảo yêu cầu, dành nguồn lực thích đáng cho đầu tư phát triển và tiết kiệm chi thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn để trả nợ. Theo đó, phải siết chặt đầu tư công, đặc biệt là hiệu quả của các dự án đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, vốn xổ số kiến thiết và Trái phiếu Chính phủ…
“Với chi tiêu công không có nghĩa là giảm đột ngột mà giảm chi tiêu thường xuyên phải gắn với hiệu quả sử dụng, tiết kiệm, đi kèm với cải cách đồng bộ tổ chức bộ máy. Bộ Tài chính sẽ phải triển khai đồng bộ Đề án và Nghị định của Chính phủ về đẩy mạnh sự nghiệp công, kể cả phải rà soát lại toàn bộ chính sách về an sinh xã hội để đảm bảo sử dụng hiệu quả hơn” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Chia sẻ những khó khăn trong nhiệm kì này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định, trong quá trình cải cách, đổi mới về cơ chế quản lý còn nhiều khó khăn, với bộ máy khá lớn từ Trung ương đến cấp huyện. Như hiện nay bộ máy thuế là từ trung ương đến cấp huyện rất đông.
Do đó, trong quá trình đổi mới, cải cách, Bộ Tài chính tập trung đào tạo lại đội ngũ cán bộ, tập trung rà soát các quy trình, quy phạm, các quy định về đạo đức nghề nghiệp của thuế, hải quan. Quy trình này rất cần sự giám sát của người dân, doanh nghiệp, giới truyền thông.
“Trong quá trình triển khai không thể nói là thuận lợi, mà rõ ràng là có những cá nhân, là "con sâu bỏ rầu nồi canh". Chúng tôi cũng thấy rõ và yêu cầu xử lý rất nghiêm minh, vi phạm đến mức xử lý pháp luật thì xử lý pháp luật, vi phạm hành chính thì xử lý hành chính”, Bộ trưởng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “An toàn thực phẩm đặt lên hàng đầu”
Là vị Bộ trưởng mới nhất trong các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, ngành nông nghiệp đang đứng trước 3 thách thức rất lớn. Đó là nền Nông nghiệp Việt Nam về tổng thể vẫn là nền nông nghiệp dựa trên các hộ nhỏ lẻ, với 12 triệu hộ nông dân sản xuất trên một diện tích canh tác bình quân 0,3ha/hộ. Đây là một trong những rào cản lớn nhất để chúng ta có thể hình thành một nền nông nghiệp tập trung hiệu quả, bền vững.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. |
Một thách thức nữa đó là trong quá trình hội nhập sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam dù đã xuất khẩu đến 180 quốc gia, bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường thì áp lực chất lượng, tham gia vào chuỗi giá trị và an toàn thực phẩm đều là thách thức lớn.
Do đó, trong chương trình hành động của mình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn tập trung vào vấn đề an toàn thực phẩm bằng nhiều giải pháp. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng từng bước khắc phục được những thách thức đã được nhận diện, trong đó chú trọng tập trung tái cơ cấu theo hướng sản xuất chuỗi bền vững hiệu quả.
Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng sẽ được Bộ NN&PTNT đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Với những kết quả bước đầu đã đạt được trong thời gian qua, hiện vẫn còn 78% số xã là những xã hết sức khó khăn về nguồn lực, tập trung vào vùng sâu vùng xa, miền núi. Do đó, đây là vùng phải tập trung vào để làm sao nông nghiệp, nông dân của chúng ta ngày càng phát triển, để vùng sâu vùng xa không còn khoảng cách với vùng phát triển, vùng đồng bằng.
“Khu vực Nông nghiệp hiện nay vừa có diện tích rất rộng 70% diện tích và cũng chiếm gần 70% dân số, 46% lao động. Khu vực này có thu nhập đang ở mức thấp và còn nhiều vấn đề nan giải khác. Ngành Nông nghiệp sẽ hưởng ứng Chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ để có các nhóm giải pháp và chương trình hành động quyết liệt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay./.