Cách tiếp cận năng lượng của Việt Nam đang "có vấn đề"?
VOV.VN -Theo PGS.TS.Trần Đình Thiên, cách tiếp cận về năng lượng ở Việt Nam đang “có vấn đề” khi nguồn cung luôn cứ phải chạy theo nhu cầu để đáp ứng.
“Nhu cầu năng lượng của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ở mức tương đối cao trong giai đoạn 2015 – 2035 để đáp ứng tăng trưởng kinh tế. Do đó, mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững nền kinh tế luôn là vấn đề được đặt ra hết sức cấp thiết”.
Nhận định này được đưa ra tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam – Hiện tại và tương lai, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/5, với sự tham gia của các cơ quan năng lượng, các tổ chức trong và ngoài nước cùng các chuyên gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng cho biết, áp lực về việc đảm bảo an ninh năng lượng thời gian tới rất lớn. |
Năng lượng hướng tới nền kinh tế Carbon thấp
Trong những năm qua, Việt Nam đã chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng hệ thống năng lượng đồng bộ, hiện đại ở tất cả các lĩnh vực như điện, than, dầu khí… đáp ứng nhu cầu can thiệp kinh tế. Trong bối cảnh nguồn thủy điện cơ bản đã khai thác hết, điện hạt nhân tạm dừng, năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn, nhiệt điện than vẫn đang là nguồn năng lượng có đóng góp quan trọng.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, năng năng lượng là ngành hạ tầng giữ vai trò cốt yếu trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Trong thời gian qua, Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm, dành sự ưu tiên cao cho các nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Vượng, nhu cầu năng lương nước ta thời gia qua phát triển rất nhanh, đặc biệt là trong 5 năm gần đây với mức tăng trưởng năng lượng khoảng 9,5%/năm và tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới. Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và khoảng 11% trong 5 năm gần đây, dự kiến trong thời gian tới nhu cầu sẽ tăng trên dưới 10%.
“Việt Nam đang phải đổi mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng khi nhu cầu năng lượng tăng cao trong bối cảnh nhu cầu cũng như các ràng buộc môi trường ngày càng chặt chẽ đã gây áp lực rất lớn cho việc đảm bảo an ninh năng lượng. Từ một nước xuất khẩu năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng”, ông Vượng nói.
Để giải quyết vấn đề năng lượng của đất nước, vị đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đang tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách theo hai hướng tiếp cận: Một là sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm hiệu quả, hai là áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường để sản xuất năng lượng phục vụ cho nhu cầu năng lượng. Trong đó có hướng tới nền kinh tế các bon thấp, tập trung vào năng lượng xanh, thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng bền vững.
“Thời gian tới, trong bối cảnh các nguồn thủy điện đã cơ bản khai thác hết, Việt Nam đẩy mạnh khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối… Mặc dù vậy, nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng trong những năm sắp tới trong nỗ lực chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các dạng nguyên liệu không hóa thạch đồng thời tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải nhà kính”, ông Vượng nói.
Cung chạy theo cầu
Đánh giá về phát triển năng lượng tại Việt Nam, PGS.TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, mô hình phát triển năng lượng của Việt Nam nhất thiết phải thay đổi, không thể cứ mãi duy trì mô hình tiêu tốn năng lượng rồi đòi hỏi hệ thống năng lượng phải đáp ứng tối đa.
“Cách tiếp cận về năng lượng ở Việt Nam đang “có vấn đề” khi nguồn cung luôn cứ phải chạy theo nhu cầu để đáp ứng, trong khi không hề đòi hỏi bất cứ điều kiện nào từ phía có nhu cầu. Tôi cho rằng, một trong những vất vả của Việt Nam là ra sức làm việc để thỏa mãn nhu cầu. Cách làm này sẽ dẫn đến năng lượng của Việt Nam luôn thiếu hụt vì cứ mải miết đuổi theo nhu cầu thì nguồn cung càng thiếu”, ông Thiên cho biết.
Đề xuất 2 dự án điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận
“Giá điện thấp kích thích tiêu thụ điện nhưng không kích thích sản xuất điện. Giá điện phải làm sao khuyến khích được cả tiêu dùng và sản xuất, không thể cứ theo một chiều như hiện nay. Đứng trên góc độ năng lượng, điều này đang tạo ra áp lực rất lớn về nguồn cung. Tại sao chúng ta chưa thể nâng được giá điện lên mức cạnh tranh khi cứ để giá điện phi thị trường quá lâu và đây là bài toán cần phải giải đáp. Phải chăng có một điểm tắc nghẽn về cơ chế ở đây? Hơn 30 năm nay giá điện vẫn không thể tạo được cạnh tranh tốt?”, ông Thiên nêu nhiều câu hỏi.
Đại viện Viện Kinh tế Việt Nam mong muốn, cách tiếp cận trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam trong tương lai cần phải được thực hiện rốt ráo hơn nữa, trong đó cả bên cung và bên cầu năng lượng đều cần phải thay đổi cách tiếp cận khác hơn rất nhiều so với hiện nay./.