Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bắc Giang tiếp tục là điểm sáng hút FDI
VOV.VN - Năm 2023, với sự chủ động, quyết liệt, đổi mới sáng tạo của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Giang đã đạt được những thành quả toàn diện trên các lĩnh vực, vươn lên dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khi ước đạt 13,45%.
Trong năm 2023, nền kinh tế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn, quý sau cao hơn quý trước; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm ước đạt 13,45% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước) đứng đầu cả nước. Có 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch.
Để đạt được những thành tựu trên, tỉnh Bắc Giang đã kịp thời dự báo bám sát tình hình thực tế nhằm tận dụng cơ hội để thu hút đầu tư để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư; đẩy mạnh tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản phát triển. Đồng thời tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài qua mỗi lần đi xúc tiến thương mại tại các nước, từ đó nâng cao hình ảnh vị thế của tỉnh nhà đối với các nhà đầu tư kinh doanh.
VOV.VN phỏng vấn ông Mai Sơn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang về bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian qua và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới của tỉnh Bắc Giang.
Phóng viên: Năm 2023, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang đã đứng đầu cả nước và đóng góp ngày càng tích cực vào trong sự tăng trưởng chung của cả nước, xin ông cho biết cụ thể hơn về kết quả này?
Ông Mai Sơn: Năm 2023, với sự chủ động, quyết liệt, đổi mới sáng tạo của cả hệ thống chính trị, Bắc Giang đã vươn lên và dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khi ước đạt 13,45%. Cùng với đó, nhiều sự kiện kinh tế, chính trị được tổ chức thành công đã khẳng định được uy tín và vị thế của tỉnh Bắc Giang.
Cụ thể, Bắc Giang có 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch; có 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được triển khai đồng bộ. Tính đến hết tháng 11/2023, đã thu hút được trên 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 3,2 lần cùng kỳ, đạt kỷ lục từ trước đến nay.
Tính riêng thu hút mới FDI, Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước sau Quảng Ninh với số vốn đạt trên 1,53 tỷ USD. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, có 1.976 doanh nghiệp và 145 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 37,5% so với năm 2022.
Chính vì vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của Bắc Giang tăng 29 bậc so với năm 2021, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của tỉnh.
Công tác cải cách hành chính được tổ chức thực hiện có hiệu quả gắn với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 4 và Chỉ số chuyển đổi số đứng thứ 9 cả nước.
Ngoài ra, năm nay cũng là năm thành công trong lĩnh vực thể thao của tỉnh nhà khi vận động viên Nguyễn Thị Oanh đã có những đóng góp tích cực khi liên tiếp giành nhiều thành tích xuất sắc. Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang có số lượng học sinh thi đạt giải Quốc gia với thành tích đứng thứ 7 cả nước về học sinh đoạt giải.
Bên cạnh đó, chất lượng các dự án thu hút đầu tư mới ngày càng được cải thiện, có nhiều dự án quy mô khá lớn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp (sản xuất linh kiện điện tử).
Đặc biệt, trong tháng 9/2023, Công ty TNHH Hana Micron Vina (Hàn Quốc) đã khánh thành dự án Nhà máy sản xuất chất bán dẫn Hana Microon tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc, cũng là cơ hội để tỉnh Bắc Giang thu hút nhiều hơn nữa các dự án công nghệ cao phù hợp với chủ trương, chiến lược thu hút đầu tư của Chính phủ và định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Phóng viên: Vậy bài học kinh nghiệm rút ra của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua là gì, thưa ông?
Ông Mai Sơn: Bài học thứ nhất, vừa qua trong cuộc tổng kết của Tỉnh uỷ Bắc Giang đã có đánh giá những bài học kinh nghiệm được rút ra sau 1 năm rất thành công. Trước hết là sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể lãnh đạo Thường trực HĐND Tỉnh uỷ, từ đó lan ra các cấp uỷ chính quyền địa phương các cấp cùng với sự thống nhất, đồng lòng trong nội bộ của quần chúng nhân dân, doanh nghiệp mới phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực như vậy được.
Bài học thứ hai, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Bắc Giang đã có khả năng dự báo tốt tình hình, trước bối cảnh năm 2023 còn gặp rất nhiều khó khăn, đan xen những thách thức. Đặc biệt, trong quý I, quý II tình hình thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung điện, thị trường bất động sản còn gặp nhiều hạn chế do vẫn còn đóng băng, ngưng chệ.
Bài học thứ ba, luôn kịp thời bám sát sự chỉ đạo của Trung ương trong cách làm thì luôn phải đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì những lợi ích chung của tỉnh nhà.
Đặc biệt trong năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã tháo gỡ được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông kỹ thuật như chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép tỉnh Bắc Giang thực hiện ngân sách của địa phương để mở rộng giai đoạn 2 cầu Như Nguyệt tuyến Hà Nội – Bắc Giang.
Cùng với tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, Bắc Giang cũng chủ động tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế chính sách để thực hiện sâu sát, sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở. Từ đó có thể đánh giá năng lực cán bộ thông qua việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá tỉnh Bắc Giang có nhiều cách làm sáng tạo thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung trong thực hiện nhiệm vụ. Vậy tinh thần đó được thể hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Mai Sơn: Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của tỉnh Bắc Giang trong năm 2023 là tinh thần dám nghĩ, dám làm. Đề thực hiện được tinh thần đó thì ngay từ đầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành chỉ thị số 26 về chấn chỉnh, tác phong nề lối làm việc nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi công vụ. Nhất trong bối cảnh rất nhiều cán bộ, Đảng viên, người đứng đầu có biểu hiện đùn đẩy, né trách trách nhiệm.
Sau khi chỉ thị số 26 được ban hành từ các cấp uỷ chính quyền đến từng chi bộ, thôn, xã nhiều cán bộ đã mạnh dạn dám nghĩ, dám đương đầu với những khó khăn thử thách. Không cứ làm theo những quy định có sẵn hiện hành mà đã có bước tiến đột phá trong thực hiện nhiệm vụ nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tế, thực tiễn. Việc làm nào còn vượt thẩm quyền thì tổng hợp câu hỏi để xin ý kiến chỉ đạo từ Trung ương và các bộ, ngành tháo gỡ.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng có một cách làm sáng tạo so với nhiều địa phương tỉnh bạn đó là ngay từ cuối năm trước thì tập thể thường trực 3 bên gồm Tỉnh uỷ, HĐND, UBND sẽ họp một buổi để giao từng nhiệm vụ đến từng lãnh đạo được phân công quản lý, phụ trách mình theo dõi.
Từ những thực tiễn đó, các đồng chí lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cho từ đầu năm đến cuối năm. Nếu đồng chí nào không hoàn thành hoặc chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì sẽ có những đánh giá, kiếm điểm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ Bắc Giang.
Phóng viên: Dự báo năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn thách thức đề duy trì thứ hạng cao cho việc phát triển kinh tế xã hội và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh lần thứ 19 đề ra, tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào thưa ông?
Ông Mai Sơn: Năm 2024 là năm dự báo tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn do bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong khu vực còn nhiều bất ổn và đặc biệt tiềm lực của tỉnh Bắc Giang vẫn còn hạn chế do độ mở lớn mặc dù nền kinh tế đứng đầu cả nước về GRDP.
Tỉnh Bắc Giang đã sớm nhận diện khó khăn, trở ngại; dự báo sát tình hình, chỉ rõ những thuận lợi và cả khó khăn, bất lợi để phấn đấu cho mục tiêu cao nhất là tăng trưởng kinh tế vì đây là chỉ tiêu tổng hợp. Tỉnh xác định khâu đột phá, tạo ra động lực chủ yếu cho tăng trưởng là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Đây là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm, nhiều giá trị gia tăng nhất và cũng là thế mạnh, lợi thế của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thu hút đầu tư, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, khẳng định vị thế của Bắc Giang. Song song với đó, Bắc Giang gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!