Cắm biển chờ lún trên cao tốc Nội Bài -Lào Cai: “Tôi không đồng tình”
VOV.VN -"Nếu chúng ta biết được nền đất ở đó yếu thì chúng ta phải chọn giải pháp xử lý để kiểm soát được độ lún và tốc độ lún chứ không phải cắm biển".
Chỉ vài ngày sau khi thông xe, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã xuất hiện một số vết rạn nứt kéo dài hơn chục mét, tại km 83 đoạn từ Yên Bái về Phú Thọ. Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) cho biết nguyên nhân là tại khu vực này nền đất yếu, xung quanh là ruộng thường xuyên ngập nước và có thể có những túi bùn bất thường xen kẹp. Tuy nhiên, dư luận cả nước có quyền đặt câu hỏi về việc đảm bảo chất lượng thi công tuyến đường cao tốc này.
Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).
PV: Thưa ông, các vết nứt ảnh hưởng như thế nào chất lượng công trình và cần thực hiện các biện pháp gì để đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc Nội Bài- Lào Cai?
Ông Trần Chủng: Vết nứt sẽ ảnh hưởng tới chất lượng khai thác tuyến đường và đảm bảo an toàn vận hành đối với những đường cao tốc, trong đó có độ êm thuận, bám dính nhất định để các phương tiện có thể chạy với tốc độ 80-100km/h.
Vết nứt đó nếu không được khắc phục sẽ gây thẩm thấu xuống các kết cấu phía dưới. Nước là “kẻ thù” của đường, nứt đường là 1 trong những yếu tố tối kỵ khi chúng ta xây dựng đường.
Điều kiện địa chất công trình kém không có nghĩa là chúng ta không thể khắc phục được. Tôi cho rằng trước hết chúng ta phải theo dõi, khảo sát theo thời gian, từ đó đánh giá xem tình trạng lún ở mức độ như thế nào. Nếu như tốc độ lún nhanh, lớn, nền đất yếu mà chảy nhão thì đó là tình trạng xấu. Nếu lún với tốc độ chúng ta có thể kiểm soát được thì tìm biện pháp xử lý nhưng sẽ tốn kém. Về nguyên tắc chúng ta phải tạo được nền tốt mới có thể giải quyết kết cấu bên trên của đường, mặt đường ổn định được.
Tôi mong muốn chúng ta tính toán, xem xét kỹ các giải pháp kỹ thuật công trình, đưa ra các cơ sở khoa học chắc chắn. Chúng ta chấp nhận những chi phí ban đầu có thể đắt nhưng xét về lâu dài hơn thì điều này sẽ hiệu quả.
PV: Có ý kiến cho rằng công trình bị thúc tiến độ dẫn tới việc thi công chưa đảm bảo đúng quy trình và chất lượng. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Chủng: Xử lý đất nền thì cần một thời gian nhất định như cắm bấc thấm, dùng những tải trọng bên trên nén xuống để cho nước tầng bùn thoát ra ngoài. Ví dụ như để đạt được độ cấu kết 0.98 thì chúng ta mất 9 tháng, nhưng nếu 3 tháng đã phải hoàn thành nghĩa là chúng ta ép tiến độ. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng về việc ép tiến độ duy ý chí như vậy không làm chất lượng đi lên.
Chúng ta có thể ép tiến độ nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng công trình khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Muốn có tiến độ nhanh thì chúng ta phải có kế hoạch, tính toán kỹ càng, không được ép quy trình, làm sai quy trình. Chúng ta có thể tăng tốc những quy trình đó thông qua việc ứng dụng kỹ thuật và phải có chi phí nhằm thực hiện các biện pháp đảm bảo chất lượng bền vững hơn.
PV: Hiện nay, trên tuyến đường cao tốc này có 10 vị trí cắm biển báo đường chờ lún. Rõ ràng, điều này đã được dự báo vậy tại sao không thể thực hiện triệt để ngay từ đầu, thưa ông?
Ông Trần Chủng: Tôi không đồng tình việc cắm biển chờ lún ở đường cao tốc và theo dõi lún căn cứ vào điều gì? Nếu chúng ta biết được nền đất ở đó yếu thì chúng ta phải chọn giải pháp xử lý để kiểm soát được độ lún và tốc độ lún chứ không phải cắm biển.
Sau khi chúng ta làm xong đường và tiến hành đo đạc, kiểm soát, nếu thấy lún lại cắm biển theo dõi khiến chúng ta không chủ động được nền đất phía dưới, sẽ đặt ra vấn đề là lỗi tại thi công, khảo sát hay lỗi tại thiết kế.
Chúng ta phải điều tra nguyên nhân đích thực của hiện tượng nứt này là do cái gì. Nếu do địa chất công trình mà chúng ta không phát hiện ra là do khảo sát, nếu do thiết kế giải pháp con đường mà có lỗi thì thiết kế phải chịu. Nhưng nếu khảo sát ổn rồi, thiết kế đúng rồi mà vẫn nứt là do thi công không tuân thủ thiết kế thì thi công chịu.
Trách nhiệm về mặt hợp đồng kinh tế thì chúng ta phải căn cứ vào lỗi chính gây ra là gì để buộc người thực hiện việc đó phải chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phải tính đến những công trình như thế nào thì chúng ta có thể cho phép chấp nhận chờ lún. Đối với công trình đường cao tốc thì không thể chấp nhận có lún là không có vì sẽ ảnh hưởng tới an toàn vận hành đường bộ trên cao tốc.
*** Xin cảm ơn ông!