Cam ruột đỏ - cây tiềm năng giúp nông dân Đồng Tháp làm giàu
VOV.VN - Nông dân Đồng Tháp đã trồng thử nghiệm thành công cây cam Cara (hay cam ruột đỏ). Đây được xem là loại cây tiềm năng phát triển của vùng đất này.
Lai Vung được xem là nơi hội tụ nhiều loài trái cây có múi đặc sản của Đồng Tháp và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Mới đây, một nông dân tại xã Phong Hòa đã trồng thử nghiệm và đạt hiệu quả kinh tế khá với cây cam Cara hay còn gọi là cam ruột đỏ. Đây được xem là loại cây tiềm năng phát triển của vùng đất này.
Cam ruột đỏ có trái tương đối lớn, không hạt và có vị ngọt thanh
Vườn cam ruột đỏ gần 5 năm tuổi của anh Huỳnh Hoàng Sơn tại xã Phong Hòa huyện Lai Vung đang cho trái với năng suất ước đạt khoảng 3 tấn/công. Anh Sơn cho biết, từ 10 gốc thử nghiệm ban đầu, thấy giống cam này phù hợp anh đã mở rộng diện tích gần 1,5 ha.
Được biết giống cam này có nguồn gốc từ Nam Mỹ được nhập vào Việt Nam khá lâu. Hiện cam ruột đỏ đã có trồng ở Lâm Đồng và một số tỉnh Miền Bắc. Đây là giống cây trồng cho thu hoạch quanh năm ở các vùng này với năng suất trung bình khoảng 3,5-4,5 tấn/công.
Cây cam ruột đỏ đang trồng thử nghiệm thành công tại xã Phong Hòa
Theo anh Huỳnh Hoàng Sơn, so với các loại cây có múi tại địa phương thì giống cam này cho năng suất khá cao và giá bán cũng khá hấp dẫn.
Khi có giống mới và mang lại hiệu quả bước đầu, anh Sơn cũng tham gia vào tổ liên kết trồng cây có múi xã Phong Hòa với 27 thành viên. Định hướng của anh Sơn cũng như địa phương là nhân giống cam này và từng bước chuyển giao kỹ thuật trồng cho tổ viên, tạo vùng nguyên liệu, xây dựng quy trình canh tác theo chuẩn an toàn…từ đó tìm đầu ra ổn định cho cây cam mới này.
Ông Huỳnh Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội làm vườn xã Phong Hòa, Huyện Lai Vung vận động bà con tập trung trồng loại cam này để bán cho tập đoàn Vingroup.
Cam ruột đỏ có trái tương đối lớn, không hạt và có vị ngọt thanh. Trái khi chín chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng hoặc màu da cam, nhẵn bóng. Hiện giá bán trên thị trường vào khoảng 60 - 70 ngàn/kg.
Vườn cam ruột đỏ của anh Huỳnh Hoàng Sơn |
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, đây là loại cây phù hợp với thỗ nhưỡng, khí hậu của Nam Bộ. Đặc biệt từ cách trồng và chăm sóc đều có nhiều điểm tương đồng với các loại cây có múi khác tại Lai Vung.
Ông Nguyễn Bé Năm, Trưởng trạm trồng trọt và BVTV huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho rằng, ngoài cam ruột đỏ, cần bổ sung các giống cây trồng thích hợp khác để đa dạng nguồn cùng, hạn chế cung vượt cầu.
Được biết toàn huyện Lai Vung hiện có trên 2.500 ha canh tác cam các loại. Trong đó chủ yếu là cam xoàn với trên 1.000 ha. Về lâu dài, ngành chuyên môn của huyện cũng đang theo dõi, đánh giá về năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế để từ đó lập kế hoạch sản xuất cho loại cây mới này.
Trước mắt, đây được xem là luồng gió mới trong việc đa dạng cây trồng trên địa bàn và mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người nông dân./. Thu tiền tỷ từ mô hình trồng cam trên đất dốc
Thành tỷ phú nhờ trồng cam trên đất dốc