Cần 5-6 tỷ USD để tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng

T.S Võ Trí Thành cho biết, tính riêng phần tái cấu trúc tài chính, ngân hàng theo ước tính của IMF đã khoảng 5% GDP, chưa kể tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước.

Trong Buổi hội thảo “Kinh tế VN quý 1- Nhìn nhận, đánh giá và dự báo định hướng cho 09 tháng cuối năm 2012”, T. S Võ Trí Thành, Viện phó Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế vĩ mô thời gian qua có nhiều yếu tố tích cực như lạm phát giảm, lãi suất giảm, cán cân thanh toán quốc tế tốt, dự trữ ngoại hối tăng (con số mới nhất khoảng 20 tỷ USD)…nhưng rủi ro vẫn còn hiện hữu.

Rủi ro lớn nhất là hệ thống tài chính Việt Nam, vấn đề nợ xấu của ngân hàng. Theo báo cáo của ngân hàng là 3,1% và bây giờ là 3,6%. Theo đánh giá của tổ chức quốc tế, con số này chiếm khoảng 12-13% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Trong khi rủi ro của hệ thống ngân hàng còn hiện hữu thì tổng cầu nền kinh tế lại suy giảm mạnh, sản xuất vô cùng khó khăn.

Trong thời gian qua, những chính sách tiền tệ mới được đánh giá là tích cực, có sự đồng thuận,…nhưng không thể có một gói kích thích kinh tế lớn, đầy đủ, toàn diện như năm 2009, nói về số tiền bằng một nữa 2009 chắc cũng không thể có. Lý do:

Một là, xử lý vấn đề tài cấu trúc toàn diện, trong đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được làm một cách quyết liệt. Ông Võ Trí Thành cho biết, theo dự báo của IMF khoản chi phí để dùng cho tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở Việt Nam mất khoảng 5% GDP (tương đương khoảng 5-6 tỷ USD), ngoài ra còn chưa kể đến việc tái cấu trúc các Tổng Công ty, Tập đoàn Nhà nước.

Hai là, sự bất ổn kinh tế vĩ mô đang quay lại. Chúng ta đang sa lầy vào cái bẫy của kinh tế vĩ mô.

Ba là, chúng ta không có đủ nguồn lực để làm việc đó, liên quan đến dự trữ ngoại tệ mới chỉ có 20 tỷ USD. Bên cạnh đó nền kinh tế lại đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện, chi phí để thực hiện là rất lớn.

Bốn là, tình hình kinh tế cũng đang rất khó khăn gần như năm 2009 nhưng cũng có khác so với năm 2009 như thị trường bên ngoài, tổng cầu suy giảm, sản xuất đình đốn,…

Nói như vậy, có nghĩa là Chính phủ không có những hỗ trợ. Sau cuộc họp vào tháng 5 tới của Chính phủ, chắc chắn chúng ta sẽ được nghe đến nhiều giải pháp hơn. Tóm lại, có thể kỳ vọng một số sự hỗ trợ sau:

Thứ nhất, tiếp cận tín dụng như khoanh nợ cho các DN, đáo nợ, cơ cấu lại nợ,…

Thứ hai, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, có quan điểm cho rằng có thể giảm từ 25% xuống 23%

Thứ ba, kích cầu nền kinh tế như mở ra cho vay tiêu dùng, hỗ trợ chương trình nông nghiệp, nông thôn,…

Theo ông Thành, cách đây vài năm, vòng quay của tiền Đồng khoảng 2,5 lần/năm nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 0,8 lần/năm. Như vậy, có thể nói người dân đang mất niềm tin rất nhiều vào nền kinh tế.

Nói đến những giải pháp về chính sách tiền tệ vừa qua, Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, các gói đưa lãi suất thấp cho vay của các ngân hàng hiện nay không đáng kể gì so với nhu cầu tín dụng của thị trường, mỗi ngân hàng lớn chỉ vài nghìn tỷ thì không đáng gì so với số dư nơ tín dụng hiện nay khoảng 2 triệu tỷ đồng.

Mức tăng trưởng tín dụng thực hiện quý 1/2012 là âm 2,13%, trong khi đó kế hoạch là tăng trưởng 15-17% trong năm nay. Điều này do nhu cầu tín dụng yếu, tồn kho tăng và nhiều doanh nghiệp không còn khả năng vay ngân hàng vì vẫn còn nợ xấu chưa giải quyết xong. Theo dự báo của IMF thì năm 2012 Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa 14%.

Vấn đề giải quyết thanh khoản và xử lý nợ xấu đã có tiến bộ bước đầu nhưng chưa đủ. Bởi rất có thể NHNN đề phòng lạm phát tăng cao trở lại.

Theo ông Trương Đình Tuyển, những tháng còn lại của năm 2012 cần phải có tính “nghệ thuật” trong điều hành chính sách tiền tệ. Xác định rõ lộ trình điều chỉnh giá điện và giá dầu hợp lý, theo dõi diễn biến giá dầu do khủng hoảng Iran.

Phương châm được đưa ra là, trước mắt tập trung xử lý mối quan hệ giữa thanh khoản và lạm phát. Thực hiện tái cấu trúc hệ thống tài chính, trọng tâm là hệ thống NHTM.

Khi thanh khoản đã cơ bản được giải quyết, chúng ta cần thực hiện xử lý mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng với phương trâm là kiềm chế lạm phát – hỗ trợ tăng trưởng. Từng bước phá băng thị trường bất động sản và cải thiện thị trường chứng khoán.

Về vấn đề tỷ giá, có khả năng NHNN sẽ giữ được mức tỷ giá dao động 3% trong năm 2012. Bởi dữ trữ ngoại hối đang tăng khá nhanh, con số mới nhất khoảng 20 tỷ USD, ngân sách có thể giảm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có cần không và có nên không?

Theo ông Tuyển, có thể chọn thời điểm thích hợp để điều chỉnh một chút về tỷ giá. Điều chỉnh tỷ giá không có nghĩa là khuyễn khích xuất khẩu vì nó còn phụ thuộc vào cơ cấu hàng xuất khẩu nhưng có lợi cho nhà xuất khẩu. Nhưng khi điều chỉnh tỷ giá chắc chắn liên quan đến lạm phát.

Kinh tế Việt Nam quý 1 tăng trưởng thấp 4%, lạm phát giảm,…nhưng sản xuất lại đang ở tình trạng đình đốn, nhiều doanh nghiệp giải thể. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 1/2012 đã có gần 12000 doanh nghiệp làm thủ tục phá sản và giải thể. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, sản xuất đang gặp khó do thiếu vốn giá rẻ.

Vì vậy, theo ông Trương Đình Tuyển, lâu nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận với vốn ngân hàng. Vì thế, nên dùng quỹ bảo hiểm tín dụng để ngân hàng bảo lãnh cho các DN nhỏ tiếp cận với vốn vay. Cần giảm thuế cho doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra, để người mua có cơ hội mua rẻ hơn nhằm kích thích đầu ra cho nền kinh tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên