Cần bịt lỗ hổng trong chuyển đổi “đất vàng”
VOV.VN - Bộ Tài chính vừa đề xuất tiến hành thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Bộ Tài chính vừa đề xuất Thủ tướng tiến hành thanh tra đối với 62 trường hợp doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cổ phần được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong quá trình chuyển đổi, đã có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, xác định tiền thuê đất, tiền sử dụng đất chưa sát với giá thị trường, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính vừa đề xuất Thủ tướng tiến hành thanh tra đối với 62 trường hợp doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cổ phần được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. (Ảnh minh họa: KT) |
Trong danh sách các dự án của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, bao gồm nhiều dự án lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều dự án đã hoàn thành, dự án đang thi công hoặc chuẩn bị đầu tư... Tại Hà Nội có hơn 20 dự án, chiếm gần 50% tổng số dự án.
Sau khi có thông tin về việc thanh tra, nhiều khách hàng đã mua nhà ở các dự án nằm trong “danh sách đen” đã rất lo lắng: Với mỗi người dân, khi mua nhà là tích cóp của bao nhiêu năm lao động, phải chuẩn bị một số tài chính rất lớn. Do những sai phạm của chủ đầu tư mà có thể ảnh hưởng rất lớn như không mua được nhà, chậm bàn giao hay không được cấp sổ đỏ, sổ hồng sau này…
Tiền đã đóng vào đây rồi, mong là chính quyền và các sở ban ngành xem xét quá trình thanh tra, kiểm tra chung cư, đồng thời ban hành Luật chặt chẽ hơn, nếu chủ đầu tư làm không đúng thì xử phạt và có giải pháp gì đó đảm bảo quyền lợi của người dân”
Theo các chuyên gia, thanh tra để làm rõ những hành vi sai phạm cũng như bịt lỗ hổng trong quá trình chuyển đổi đất đai là việc làm cần thiết. Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích, các doanh nghiệp Nhà nước trước đây đều được thành lập trong thời kỳ bao cấp, được cấp đất và chỉ có giá trị sử dụng chứ không có giá trị được tính thành tiền. Khi cổ phần hóa, đất đai được chuyển đổi thành thuê chứ không còn được giao sử dụng miễn phí như trước, nhưng việc xác định tiền thuê đất là thấp. Những khu đất này được chuyển đổi thành dự án bất động sản, thì giá trị của dự án tăng lên rất nhiều do nằm ở những vị trí “đất vàng”.
Ông Phạm Sỹ Liêm nhận định: Mục đích của việc thanh tra là tìm ra những siêu lợi nhuận do giá trị đất đem lại. Những siêu lợi nhuận rơi vào túi của nhà đầu tư thì nhà nước thu hồi phần siêu lợi nhuận đấy từ nhà đầu tư. Còn người mua thì vẫn được hưởng quyền lợi dự án như vậy, chứ không ảnh hưởng gì.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc thanh tra những dự án này liên quan đến vấn đề tài chính, thuế chứ không liên quan đến vấn đề kỹ thuật. Ở Hà Nội có hơn 20 dự án, chiếm tỷ lệ nhỏ trong số vài trăm dự án đang phát triển ở Thủ đô, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản, đồng thời quyền lợi người mua nhà vẫn sẽ được đảm bảo.
Ông Đính nhận định: Vấn đề xem xét lại quyền lợi của nhà nước, nhất là tiền thuế sử dụng đất không ảnh hưởng đến quyền lợi của những khách hàng đã mua nhà tại các dự án này. Bởi vì đó là trách nhiệm của các chủ đầu tư. Khách hàng và chủ đầu tư đã ràng buộc với nhau bằng hợp đồng, giá bán … thì chủ đầu tư không thể vì việc xem xét lại đó mà điều chỉnh mức giá trong hợp đồng.
Rõ ràng, thanh tra là cần thiết để chống thất thu ngân sách, tạo sự minh bạch trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp địa ốc “lách luật”, bán xong dự án mới nộp thuế hoặc trốn thuế. Tuy nhiên, việc thanh tra các dự án rất phức tạp vì có thể đã được các chủ đầu tư mua đi, bán lại.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, thanh tra cần làm rõ sai phạm, xử lý trách nhiệm, đồng thời tìm ra những kẽ hở để sửa đổi, hoàn thiện về mặt chính sách:
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên đình chỉ thi công mà vẫn để các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị đối thoại Thủ tướng và doanh nghiệp vừa diễn ra ngày 17/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tạm thời dừng thi công các dự án nhà cao tầng đang triển khai xây dựng tại các thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền được giao như sử dụng đất không qua đấu giá đất. Tuy nhiên, đây là những dự án có sai phạm, chưa đủ thủ tục và sai phạm thì mới dừng./.
Hộ kinh doanh ngại thành doanh nghiệp vì sợ thủ tục thuế và tốn phí