Cần chính sách thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp nữ
VOV.VN - Việt Nam đang phát huy vai trò của phụ nữ thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và sử dụng nhiều lao động nữ.
Cả nước hiện có gần 500.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 24% doanh nghiệp do nữ quản lý, tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lao động nữ song các quy định cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ chưa đi vào cuộc sống. Nhiều quy định liên quan có trong nhiều luật khác nhau. Trong đó, các quy trình thủ tục để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp cũng rất phức tạp.
Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ - Mỹ nghệ Quang Vinh cho biết, Việt Nam đã có cơ chế chính sách nhưng chưa có nghị định hướng dẫn thực thi.
“Vấn đề là Luật đi vào cuộc sống như thế nào? Chúng tôi đóng thuế, đóng góp các nguồn khác cho ngân sách Nhà nước bởi những luật mà Nhà nước ban hành thì luật của Nhà nước ban hành cho hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhiều lao động nữ và do nữ làm chủ cần được truyền thông kịp thời và có một hệ thống hướng dẫn giống như là chúng tôi đóng thuế đi, để trợ giúp cho các lao động nữ,” bà Vinh nêu ý kiến.
Doanh nghiệp sử dụng lao động nữ cần được hỗ trợ. (Ảnh minh họa) |
Việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, thể hiện sự ưu việt của các chính sách, luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết tới các quy định này và việc thực thi các chính sách còn gặp nhiều khó khăn.
Bà Phạm Thu Hà, Giám đốc Ngân hàng Sacombank, Chi nhánh 8/3 đề nghị, Nhà nước cần bổ sung các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay của doanh nghiệp.
“Thực ra, chính sách cho lao động nữ thì có rất nhiều, nghĩa là quy định của luật liên quan đến các chính sách cho lao động nữ có nhiều và doanh nghiệp phải đáp ứng tất cả quyền lợi của lao động nữ. Tuy nhiên, quyền lợi cho doanh nghiệp do nữ làm chủ thì lại chưa có. Chúng tôi cũng kiến nghị rằng cần phải có những hỗ trợ như chính sách về bảo hiểm, các chi phí hỗ trợ thuế, thuê đất hoặc các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nữ về đào tạo, tập huấn, triển khai các chính sách…,” bà Hà chia sẻ.
Hiện, Nhà nước đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ bằng cách giảm thuế dựa trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý dành cho các lao động nữ. Do đó, nhiều doanh nghiệp đề xuất có chính sách hỗ trợ tập trung vào trợ giúp tài chính, mặt bằng sản xuất, cung ứng dịch vụ công và đặc biệt là kịp thời thông tin quy định cụ thể văn bản pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ và sử dụng nhiều lao động nữ phát triển hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp nữ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi có được thông tin về những chương trình, nghị định cụ thể liên quan đến các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực khác nhau. Hiện chúng tôi phải chuẩn bị cho doanh nghiệp trong mọi tình huống, còn nếu các doanh nghiệp biết rõ thông thì họ sẽ chủ động hơn”./. Những “nữ tướng” có “máu mặt” trên thương trường