Cần có quy chế quản lý chung đối với cụm công nghiệp

Hầu hết các CCN ở các địa phương được hình thành do nhu cầu cấp thiết về mặt bằng và giải quyết ô nhiễm môi trường nên việc phát triển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch phát triển chung

Nhằm khắc phục những bất cập phát sinh từ các cụm công nghiệp (CCN), đại biểu 28 tỉnh, thành phố phía Bắc cho rằng Chính phủ, Bộ Công Thương nên sớm ban hành một quy chế quản lý CCN rõ ràng và chung trong cả nước. Trong đó, cần chú trọng đến việc ưu đãi, hỗ trợ các CCN về vốn đầu tư cho hạ tầng và hệ thống xử lý môi trường. Những ý kiến này đã được nêu ra trong buổi hội thảo "Phát triển bền vững cụm công nghiệp - thực trạng và giải pháp" do Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công Thương và Sở Công thương Hải Phòng phối hợp tổ chức vào ngày 2/10.

Các đại biểu cũng cho rằng các cụm công nghiệp còn thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu hệ thống văn bản quản lý nhà nước, cơ chế ưu đãi chưa rõ ràng và thiếu vốn phát triển.

Theo Bộ Công Thương, tổng số các khu, cụm, điểm công nghiệp địa phương (gọi tắt là cụm công nghiệp) do UBND cấp tỉnh có chủ trương xây dựng và phê duyệt quy hoạch đến năm 2020 khoảng 1.643 CCN với tổng diện tích gần 73.000 ha.

Tuy nhiên, hầu hết các CCN ở các địa phương được hình thành do nhu cầu cấp thiết về mặt bằng và giải quyết ô nhiễm môi trường nên việc phát triển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch phát triển chung và quy hoạch xây dựng chi tiết các CCN để làm cơ sở đầu tư xây dựng cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Thực tế hiện chưa có một văn bản pháp lý nào của Chính phủ, Bộ, ngành quy định việc quản lý nhà nước đối với CCN. Các địa phương tùy thực tế của mình mà ban hành những quy định riêng để quản lý loại hình này. Do vậy, việc quản lý và phân công cơ quan quản lý thiếu thống nhất, công tác quản lý còn nhiều bất cập.

Trong cả nước có tới 80% số CCN được giao cho UBND cấp huyện quản lý về mặt nhà nước, số còn lại giao cho Ban quản lý Khu công nghiệp hoặc giao cho nhiều đơn vị cùng quản lý. Thiếu cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách chưa rõ ràng nên việc huy động vốn đầu tư không đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển các CCN. Một số ít CCN có doanh nghiệp đầu tư riêng về cơ sở hạ tầng, còn lại đa số các CCN chưa thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tốt. Các doanh nghiệp trong CCN phải tự lo toàn bộ quá trình xây dựng hạ tầng riêng cho đơn vị mình hoặc các chủ đầu tư thực hiện xây dựng hạ tầng theo hình thức cuốn chiếu, đường sá đến đâu, đầu tư đến đó. Hệ thống trạm xử lý nước thải gần như chưa được chú ý dẫn đến hậu quả ô nhiễm môi trường khá nặng nề...

Trước thực trạng nêu trên, về mô hình quản lý đối với CCN, nhiều ý kiến đồng thuận với đề xuất của ông Đỗ Quang Thịnh, Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng: Giao cho Sở Công thương quản lý nhà nước, còn quản lý trực tiếp thì hoặc giao cho doanh nghiệp nhận đầu tư hạ tầng cơ sở CCN (nếu có), hoặc các tỉnh, thành phố giao cho một đơn vị sự nghiệp có thu thay mặt Nhà nước quản lý trực tiếp CCN này.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên