Cần đầu tư cho sản xuất ở vùng bán ngập huyện Sa Thầy

VOV.VN - Thẳng thắn nhìn nhận, những giải pháp do chính quyền huyện Sa Thầy thực hiện hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả đạt được không cao.

Cách đây hơn 10 năm, vì dòng điện quốc gia, người dân 3 xã Yaly, Ya Xier và Ya Tăng của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum di dời nhà cửa, bỏ lại ruộng vườn chuyển đến nơi ở mới.

Niềm vui hưởng lợi từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng tái định cư với “điện, đường, trường, trạm…”, công trình thủy điện Yaly mang lại kéo dài không lâu, trong nhân dân nảy sinh khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp đất đai.

Nguyên nhân là hàng nghìn ha đất màu mỡ giờ chìm trong nước hồ, còn đất được đền bù chủ yếu trên đồi dốc, bạc mầu và không đủ cho người dân sản xuất. Trong khi đó, một diện tích lớn đất vùng bán ngập vì nhiều lẽ lại chưa được khai thác hiệu quả.

Ông A Chi, làng Chứ, xã Yaly, huyện Sa Thầy cho biết: để có hơn 2 sào lúa nước như bây giờ, mấy năm trước, A Chi cùng gia đình đã phải đi xa hơn 2 cây số, vay tiền thuê máy múc cùng sức người đào đắp. Nhiều gia đình vì thiếu quyết tâm, phần không có vốn và nhiều khi muốn cũng không có đất để tạo thành ruộng vườn nương rẫy. Đây đang là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân trong xã.

Là 3 trong 4 xã thuộc diện tái định cư lòng hồ thủy điện Yaly của huyện Sa Thầy, sau hơn 10 năm nhà máy thủy điện này đi vào hoạt động, gần 8.000 người dân ở Yaly, Ya Xier và Ya Tăng với chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn loay hoay lo kiếm bữa ăn hàng ngày, cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau.

Mặc dù chính quyền địa phương cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, song tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo vẫn chiếm tới trên 46%.

Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: “Huyện có nhiều giải pháp trong đó tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hàng năm huyện trích ra khoảng 1,5 tỷ đồng để mua giống cây cao su và đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, như hỗ trợ giống lúa, hỗ trợ giống ngô. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai dự án làm thí điểm để nhân rộng nuôi cá lồng để sử dụng diện tích nước cho bà con ổn định cuộc sống”.

Thẳng thắn nhìn nhận, những giải pháp mà chính quyền huyện Sa Thầy thực hiện, nhằm hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả đạt được không cao.

Nguyên nhân cốt lõi vẫn là do thiếu đất sản xuất. Theo thống kê, hiện 3 xã Yaly, Ya Xier và Ya Tăng còn tới 290 hộ thiếu đất sản xuất, trong đó gần 100 hộ chưa có đất.

Để giải quyết tình trạng này, huyện khuyến khích, động viên nhân dân sản xuất trên diện tích đất vùng bán ngập lòng hồ từ cao trình 512 đến 515. Tuy nhiên, thu hoạch rất phập phù. Nhiều năm bị khô hạn vì không chủ động được nguồn nước, năm lại ngập úng vì lũ to hay nhà máy bất ngờ tích nước.

Ông A Bền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ya Xier cho biết: “Việc canh tác vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Yaly đối với chúng tôi không thuận lợi trong đó có việc mức nước chứa lòng hồ thủy điện Yaly thông báo phải có công văn nhưng thông báo chưa chặt chẽ. Cụ thể như thời gian vừa qua khu vực lòng hồ thủy điện Yaly nước rút, bà con làng O có gieo sạ nhưng khi nước lên làm thối giống. Bây giờ nước rút xuống, bà con lại gieo tiếp”.

Có một thực tế là, giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất sản xuất cho các hộ dân thuộc diện tái định cư ở đây không phải không có song lại chưa được thực hiện.

Năm 2009, trước sự cấp thiết phải có đất cho dân sản xuất, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã khảo sát thiết kế, có quyết định đầu tư dự án thủy lợi đập làng Lung, ở xã Ya Xier với tổng kinh phí trên 34 tỷ đồng.

Nếu có công trình thủy lợi này, ba xã sẽ có thêm 240 ha lúa, trong đó 30 ha lúa hai vụ, 210 ha lúa một vụ ăn chắc. Việc thiếu đất sản xuất của 290 hộ dân sẽ được giải quyết dứt điểm. Đây cũng chính là mong muốn của chính quyền và người dân địa phương.

Tuy nhiên từ năm 2009 đến nay, dự án thủy lợi đập làng Lung vẫn nằm trên giấy tờ và trong mong đợi của chính quyền cũng như người dân địa phương. Nguyên nhân được Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum cho biết là do cắt giảm đầu tư công.

Tháng 3/2014 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình thủy lợi này để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho dân song chưa có kết quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên