Cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Do hiện nay đang có quá nhiều chủ quản lý nên khối tài sản tại các DNNN trở thành vô chủ.

Việc tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là một nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là đối với những quốc gia mà mức độ ảnh hưởng, vị trí vai trò của DNNN đang còn chiếm tỷ trọng lớn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 15/12/2010, cả nước thực hiện sắp xếp được 5.846 doanh nghiệp và bộ phận DNNN. Trong năm 2010, chỉ có thêm 144 DNNN được cổ phần hóa.

Còn nhiều lỗ hổng

Trao đổi với VOVNews, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư phân tích: “Như mọi người đều biết, vụ Vinashin không chỉ là do sai lầm trong việc chấp hành cơ chế, chính sách về quản lý DNNN của những cá nhân hay tập thể nhỏ nào đó (chẳng hạn Chủ tịch Hội đồng quản trị hay cả Hội đồng quản trị; Tổng giám đốc hay cả Ban Tông giám đốc) gây ra mà còn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác. Trong số đó có cả nguyên nhân về “lỗ hổng” của cơ chế chính sách, về điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu. Nếu xem xét dưới góc độ này thì không loại trừ khả năng có thể có những “Vinashin phẩy” khác. Đương nhiên nếu nhận biết sớm, tìm mọi cách ngăn chặn một cách mau lẹ thì cũng có thể không xảy các “Vinashin phẩy” khác như sự lo lắng của nhiều người.

Những gì diễn ra trên thực tế trong nhiều năm qua ở các DNNN đã được CPH, có không ít tiền của, giá trị tài sản của Nhà nước, bằng nhiều cách, đã được chuyển hoá không đúng quy định, không đúng giá trị thực, thành tài sản của doanh nghiệp tư nhân

Cũng theo ông Trần Xuân Giá, nhìn vào con số thống kê từ năm 2005 cho thấy hai điều: Một, mức tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước luôn thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế chung của cả nước và đương nhiên thấp hơn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hai, vào những năm kinh tế nước ta chịu tác động xấu từ bên ngoài, thì khu vực kinh tế nhà nước bị suy giảm sâu hơn các thành phần kinh tế khác, tức kinh tế nhà nước chưa đóng vai trò “quả đấm thép” trong tay Nhà nước để chống đỡ với những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 2008-2009. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997-1999 cũng có tình hình tương tự. Chẳng hạn, năm 2009, GDP cả nước tăng trưởng so với năm trước là 4,8%, thì khu vực kinh tế nhà nước chỉ tăng 2,6%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 4,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng đến 17,6%.

Ngoài ra, theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), có nhiều sự khác biệt giữa DNNN của Việt Nam và thế giới từ khái niệm, loại hình, hình thức huy động vốn, mức độ công khai minh bạch, tiến trình ra quyết định quản lý...

Chính vì các lý do trên nên ông Trần Xuân Giá và nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN.

Chưa có chủ đích thực

Ngoài tiến độ CPH DNNN thực hiện quá chậm, theo ông Nguyễn Thiềng Đức, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM, việc ban hành các văn bản luật và hệ thống văn bản pháp quy để chế định và điều chỉnh việc thực hiện quan điểm chỉ đạo... luôn chậm triển khai thực hiện, “Phải chăng do vẫn còn lúng túng trong lý luận về vai trò chủ sở hữu - chủ sở hữu vốn với vai trò chức năng của cơ quan quản lý nhà nước (được ủy quyền hoặc phân cấp là đại diện chủ sở hữu và chủ sở hữu vốn nhà nước) tại các DNNN?” – ông Đức đặt câu hỏi.

Cùng chung quan điểm này, ông Trần Xuân Giá cho rằng, trong quản lý khối tài sản tại các DNNN, trong quản trị khu vực doanh nghiệp này, bao gồm cả các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn còn những “lỗ hổng” pháp lý lớn như: Chưa có văn bản pháp luật để quản lý khối tài sản khổng lồ tại các DNNN. Ai là chủ đích thực của khối tài sản này? Mỗi Bộ, mỗi chính quyền địa phương có liên quan đều nhận mình là chủ phần việc được giao trong quản lý khối tài sản tại các DNNN và như vậy hiện nay đang có quá nhiều chủ, thành thử khối tài sản tại các DNNN trở thành vô chủ là điều dễ hiểu.

Trong quản trị các DNNN, các tập đoàn kinh tế nhà nước tuy đã có các văn bản pháp lý để điều chỉnh, nhưng trên thực tế thì còn thiếu những văn bản hết sức quan trọng, thí dụ đến nay vẫn chưa có Điều lệ về tổ chức, hoạt động của Vinashin. “Một tập đoàn kinh tế lớn như vậy mà trong hoạt động lại chưa có điều lệ thì việc xảy ra các sai lầm, gây tổn hại vật chất, nguồn lực cũng là điều không khó hiểu lắm. Hoặc những Tổng công ty, tập đoàn đã có điều lệ thì nội dung còn quá chung và việc chấp hành còn hết sức lỏng lẻo” – ông Trần Xuân Giá nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, Luật đã chậm ban hành, lại còn tình trạng cố hữu là sẽ còn phải chờ nghị định triển khai (có khi chỉ là triển khai một số điều khoản của luật), rồi chờ thông tư hướng dẫn, có khi phải liên bộ hướng dẫn, và thậm chí còn phải chờ văn bản giải thích…

Ông Nguyễn Thiềng Đức đưa ra dẫn chứng, các văn bản luật và dưới luật để điều chỉnh DNNN vẫn còn thiếu, còn bất cập, không theo kịp việc tổ chức sắp xếp các DNNN (chẳng hạn Nghị định số 101/2009/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/11/2009 về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước... trong khi các tập đoàn đã được thí điểm cho thành lập từ nhiều năm trước…(!)

Cần minh bạch tài sản, hoạt động của DNNN

Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau song ông Nguyễn Văn Huy - Nguyên Phó Trưởng ban Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương cho rằng, đã đến lúc cần có một cơ quan thống nhất quản lý DNNN, trong điều kiện số lượng DNNN giảm đáng kể nhưng qui mô lớn hơn và hoạt động trong điều kiện mới phức tạp hơn nhiều.

“Không thể quản lý DNNN theo kiểu phân tán ra nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhiều mảng như lâu nay, cũng không thể kỳ vọng Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn làm được chức năng quản lý DNNN và DNNN cổ phần hóa. Trong thực tế đến giờ phút này chúng ta vẫn lúng túng nên chưa thực hiện được điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2005 là: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với DN; chỉ định một cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì phối hợp với các Bộ, nghành khác thực hiện quản lý nhà nước đối với DN”” – ông Huy nói.

Cùng chung quan điểm này, ông Trần Xuân Giá khẳng định: “Cần có cơ quan quản lý DNNN tập trung, kể cả các tập đoàn kinh tế chuyên trách, đủ mạnh để thực hiện quản lý và giám sát sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp. Cơ quan đó là một bộ mạnh; Xác định lại mục tiêu Chiến lược, sứ mạng của các Tập đoàn trong 5-10 tới”.

Một phần việc quan trọng nữa được ông Trần Xuân Giá đề cập là đánh giá lại tài sản, cả hữu hình lẫn vô hình, của DNNN một cách chính xác, và thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp trên tất cả các phương diện hướng đến thực hiện mục tiêu trọng tâm đã xác định.

“Công khai và minh bạch hóa thông tin ít nhất theo các tiêu chí như đang áp dụng đối với công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay. Và hàng năm, các tổng công ty nhà nước, các tập đoàn kinh tế phải có báo cáo tài chính hợp nhất; báo cáo đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu Chiến lược được kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế trình Quốc hội và công khai hóa để bất kỳ ai quan tâm đều biết” – ông Giá nói.

Theo kiến nghị của VAFI: Những DNNN đã cổ phần hóa cần phải tiếp tục cải tổ theo hướng bán bớt hoặc bán toàn bộ cổ phần Nhà nước; không nên hình thành thêm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bằng cơ chế hành chính.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên