Cần giải quyết 6 yêu cầu để thay đổi mô hình tăng trưởng
Một trong những yêu cầu đó là hình thành đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường gắn với môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế
Hôm nay (17/4), tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo đánh giá tác động hội nhập kinh tế quốc tế 2 năm sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, sau 2 năm gia nhập WTO, đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư khu vực dân doanh và nước ngoài tăng nhanh. Năm 2008, mặc dù lạm phát tăng cao nhưng vốn khu vực dân doanh tiếp tục tăng và cao hơn 22,2% so với 2007. Riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3 lần với số đăng ký đạt hơn 60 tỷ USD - đây là mức kỷ lục từ trước đến nay. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng khả năng tận dụng còn hạn chế, đó là vốn thực hiện đạt thấp (năm 2008 chỉ đạt 17% so với vốn đăng ký) và cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa hợp lý. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng và không có sự phân biệt đối xử.
Tại hội thảo nhiều đại biểu cho rằng cần giải quyết 6 yêu cầu để thay đổi mô hình tăng trưởng, tăng sức đề kháng của nền kinh tế đối với tác động từ bên ngoài, đó là: hình thành đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường gắn với môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế; tăng tỷ trọng các nhân tố năng suất tổng hợp thay cho việc tăng vốn và khai thác tài nguyên như hiện nay; phát triển mạnh nguồn nhân lực trên các loại hình; phát triển khoa học công nghệ theo mục tiêu nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; giải quyết những điểm tắc nghẽn tăng trưởng nhằm giảm chi phí giao dịch và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.
GS-TS. Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú ý đến nhiều vấn đề, ví dụ như như năng lực quản trị, phải có tầm nhìn chiến lược, đừng lo đi nhặt nhạnh và phải tính đến dài hơi. Thứ hai là phải định hướng liên kết vào thế giới tốt hơn. Bởi vì cơ hội phát triển của doanh nghiệp Việt Nam là liên kết với thế giới chứ không phải tự làm rồi bán cho thế giới, vì ở Việt Nam công nghệ phụ trợ chậm phát triển./.