Cần hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho gỗ rừng trồng ở Cao Bằng

VOV.VN - Để hàng chục nghìn ha rừng ở Cao Bằng phát huy hiệu quả kinh tế, cần hướng dẫn bà con chăm sóc, khai thác, và hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho gỗ rừng trồng.

Tỉnh Cao Bằng có trên 534.000 ha rừng, trong đó gần một nửa là rừng sản xuất. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Cao Bằng được đánh giá là phù hợp để phát triển các diện tích rừng gỗ lớn, vườn rừng dược liệu hay rừng cây nguyên liệu ngắn ngày... Vậy nhưng nhiều năm qua, kinh tế rừng chưa có đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của địa phương.

Năm 2019, toàn tỉnh Cao bằng dự kiến chỉ trồng được hơn 300 ha rừng.

Xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng có khoảng 4.300 ha rừng tự nhiên thuộc quản lý của Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng. Từ nhiều năm qua, doanh nghiệp chủ yếu thuê người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng nhưng các cánh rừng trồng mới không nhiều, chất lượng rừng trồng cũng thấp.

Ông Nông Ích Hoán, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết: Qua các kỳ họp Hội đồng nhân dân, bà con cũng kiến nghị lên cấp huyện, cấp tỉnh. Bà con mong muốn chính quyền giao một phần rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn về cho dân, tức là được cấp bìa đỏ. Hiện hơn 4.000 ha rừng của Bạch Đằng đều của Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng nên người dân muốn cải tạo, trồng mới rừng đều không làm được.

Nhiều địa phương khác của tỉnh Cao Bằng cũng có những lý do cả chủ quan và khách quan khiến kinh tế rừng khó phát triển như điều kiện địa hình chia cắt, diện tích manh mún dẫn đến chi phí trồng, chăm sóc tốn kém hơn. Cả tỉnh Cao Bằng hiện cũng chỉ có 2 cơ sở chế biến ván ghép thanh, còn lại phần lớn gỗ rừng trồng chỉ phục vụ các cơ sở chế biến gỗ hiệu quả kinh tế thấp...

Bà Hoàng Thị Duyên, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng cho rằng: Kinh tế rừng ở địa phương chưa thực sự phát triển, một phần là còn do nhận thức của người dân.

"Với người dân vùng sâu, vùng xa thì đời sống rất khó. Họ chủ yếu lo cuộc sống trước mắt, trong khi chu kỳ cây lâm nghiệp rất dài, từ 5 - 10 năm mới được khai thác nên để đầu tư vào rừng người dân chưa chú trọng. Chính sách có, hỗ trợ có nhưng để nhân rộng mô hình rất khó khăn với Cao Bằng", bà Duyên nêu thực tế.

Gỗ rừng trồng sau khai thác chủ yếu vẫn chỉ phục vụ các cơ sở chế biến ván bóc có giá trị thấp.

Từ 2016 đến nay, năm nhiều nhất Cao Bằng cũng chỉ trồng được khoảng 1,3 nghìn ha rừng sản xuất. Đáng lo ngại là con số này liên tục giảm và đến năm 2019 này, toàn tỉnh dự kiến chỉ trồng hơn 300 ha rừng. Trong khi đó, tỉnh Bắc Kạn với điều kiện địa hình, khí hậu tương tự lại có thể trồng mới từ 7.000 đến 10.000 ha rừng mỗi năm.

Để kinh tế rừng tại tỉnh Cao Bằng phát triển, cùng với việc nâng cao ý thức của người dân thì chính quyền các cấp cần có chính sách giao đất, giao rừng ổn định, có biện pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt để người trồng rừng yên tâm sản xuất.

Mặt khác, cần có các nghiên cứu khoa học về hiệu quả các loại cây trồng, hướng dẫn bà con chăm sóc, khai thác và hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho gỗ rừng trồng. Có như vậy, hàng chục nghìn ha đất rừng ở tỉnh Cao Bằng mới có thể đem lại cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển cho đồng bào các dân tộc nơi đây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Gỗ rừng trồng hầu hết là sơ chế, giá trị thấp
Gỗ rừng trồng hầu hết là sơ chế, giá trị thấp

VOV.VN - Khoảng 70.000 ha rừng trồng đang cho khai thác, tuy nhiên, phần lớn gỗ rừng trồng tại Bắc Kạn hiện vẫn chỉ được sơ chế với giá trị kinh tế thấp.

Gỗ rừng trồng hầu hết là sơ chế, giá trị thấp

Gỗ rừng trồng hầu hết là sơ chế, giá trị thấp

VOV.VN - Khoảng 70.000 ha rừng trồng đang cho khai thác, tuy nhiên, phần lớn gỗ rừng trồng tại Bắc Kạn hiện vẫn chỉ được sơ chế với giá trị kinh tế thấp.