Gỗ rừng trồng hầu hết là sơ chế, giá trị thấp
VOV.VN - Khoảng 70.000 ha rừng trồng đang cho khai thác, tuy nhiên, phần lớn gỗ rừng trồng tại Bắc Kạn hiện vẫn chỉ được sơ chế với giá trị kinh tế thấp.
Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 200 cơ sở chế biến lâm sản từ gỗ rừng trồng, đa số là các xưởng băm, bóc gỗ thủ công. Các xưởng chế biến này góp phần tiêu thụ gỗ rừng trồng cho người dân nhưng hoạt động thiếu ổn định do phụ thuộc nhu cầu của thị trường.
Ông Trần Trung Kiên, chủ một cơ sở bóc gỗ tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông cho biết: Thời kỳ cao điểm, cơ sở của ông tiêu thụ vài trăm m3 gỗ nguyên liệu mỗi tháng. Tuy nhiên, nghề bóc gỗ kỵ nhất gặp mưa kéo dài trong khi đầu ra sản phẩm bấp bênh; mặt khác nhiều thời điểm nguồn nguyên liệu không ổn định, đôi khi khan hiếm.
“Về gỗ thời điểm này đang đắt, chênh lên 100.000-200.000 đồng/m3 so với trước đây, cơ sở công nhân nghỉ suốt vì không đủ nguyên liệu chế biến” - ông Kiên nói.
Bắc Kạn là địa phương có lợi thế về phát triển kinh tế rừng với hơn 306.000 ha rừng sản xuất và khoảng 70.000 ha đã có thể cho thu hoạch. |
Các cơ sở băm, bóc gỗ mặc dù tiêu thụ nhiều gỗ nguyên liệu cho người trồng rừng song hiệu quả kinh tế không lớn bởi sản phẩm vẫn chỉ là sơ chế. Ông Phạm Văn Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn cho biết: Cũng có một số doanh nghiệp tham gia chế biến lâm sản từ gỗ rừng trồng tại Bắc Kạn với các sản phẩm như: đũa gỗ phục vụ xuất khẩu, ván dăm, ván dán, ván ghép thanh… tuy nhiên phần lớn vẫn dừng ở mức bán thành phẩm mà chưa có những sản phẩm tinh chế, giá trị cao.
“Chế biến rừng trồng trên địa bàn hiện nay chủ yếu là sơ chế, còn chế biến sâu hầu như là chưa có, chưa nói chế biến tinh. Hiện giá trị gỗ từ người trồng rừng đến lúc chế biến và xuất đi là không đáng kể” - ông Thường nói.
Với diện tích rừng sản xuất lên đến hơn 306.000 ha, tỉnh Bắc Kạn luôn xác định phát triển ngành chế biến lâm sản là ưu tiên hàng đầu. Dù vậy, thời gian qua mới chỉ duy nhất một đơn vị có đề án sản xuất quy mô lớn là Công ty Cổ phần đầu tư Govina sản xuất ván ép xuất khẩu công suất 120.000 m3 sản phẩm/năm, giai đoạn 2 dự kiến sẽ sản xuất gỗ MDF công suất 60.000 m3 sản phẩm/năm tại khu Công nghiệp Thanh Bình.
Phần lớn gỗ rừng trồng tại Bắc Kạn chỉ phục vụ sản xuất của các cơ sở chế biến thô như băm, bóc tại địa phương. |
Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, để tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, địa phương đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến lâm sản hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, nhà xưởng và xử lý chất thải...
“Chế biến lâm sản là một nội dung mà Bắc Kạn rất có nhu cầu và đặt ưu tiên thu hút. Tỉnh Bắc Kạn vẫn mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư đến nghiên cứu, đánh giá nguồn nguyên liệu đầu tư những nhà máy, những cơ sở chế biến phù hợp để giúp cho chuỗi giá trị của ngành lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn sẽ được nâng cao hơn và tăng thêm thu nhập cho người dân trên địa bàn” - bà Hoa nói.
Có một thực tế khiến nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng dè dặt khi làm ăn ở Bắc Kạn là các diện tích rừng trồng tại địa phương còn manh mún, không thuận tiện cho việc khai thác cơ giới. Nhìn xa hơn, Bắc Kạn vẫn chưa có được quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định dành cho các dự án chế biến lâm sản quy mô lớn, và các nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở để lo ngại tình cảnh “nhà máy xây xong, đắp chiếu vì không gom đủ gỗ nguyên liệu”./.
Thủ tướng tham dự Diễn đàn xuất khẩu gỗ, lâm sản
Xuất khẩu lâm sản dẫn đầu “nhóm 1 tỷ USD”