Cần lưu ý gì khi xuất khẩu sang Nhật, Ấn, Hàn
VOV.VN - Tỉnh Cà Mau vừa tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới cho các mặt hàng nông, thủy sản thế mạnh. Trong hội nghị, Tham tán thương mại của nước ta ở các nước có tiềm năng là Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã có những khuyến nghị không chỉ cho riêng doanh nghiệp ở Cà Mau mà còn rất hữu ít cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại tại Nhật Bản, thị trường Nhật Bản có nhu cầu lớn về hàng nông lâm thủy sản và hàng tiêu dùng của Việt Nam. Riêng mặt hàng nông lâm thủy sản xuất sang Nhật năm 2023 đạt khoảng 2 tỷ USD, trong đó thủy hải sản chiếm hơn 1,5 tỷ USD. Các loại mặt hàng này chủ yếu là xuất thô nên giá trị chưa cao.
Sản phẩm của Việt Nam ở Nhật Bản đang phục vụ nhu cầu của khoảng 10 triệu dân châu Á, trong khi “Đất nước mặt trời mọc” đang có tới 120 triệu dân. Về thuế, mặt hàng nông lâm thủy sản của nước ta được ưu đãi hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Nhật Bản là thị trường uy tín, khi đã vào được Nhật sẽ có cơ hội rất lớn để xuất vào những thị trường khó tính hơn là EU và Mỹ. Cái khó là Nhật Bản rất chú trọng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát các dư lượng rất nghiêm ngặt. Còn nuôi trồng thủy sản trong nước vẫn ở quy mô nhỏ, hộ gia đình nuôi là chủ yếu nên doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý.
Ông Tạ Đức Minh dẫn chứng việc, một doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sang Nhật khi kiểm tra dư lượng chất phóng xạ đã bị tuýt còi. Thương vụ can thiệp thì phía nước bạn yêu cầu trong 2 năm phải khắc phục, nếu không các mặt hàng này có nguy cơ bị tăng thuế, cũng như tăng cường kiểm soát.
Theo ông Minh: "Các sản phẩm phải ổn định chất lượng; quy trình sản xuất, chế biển cần đồng bộ; ổn định về giá cả cũng rất quan trọng. Lạm phát ở Nhật rất thấp, giá cả không tăng đột biến. Một vấn đề khác là đồng Yên đang mất giá so với đồng đô la dẫn đến sản phẩm nhập khẩu tăng giá, giá thành bán lẻ cũng tăng khá cao. Doanh nghiệp cần lưu ý đàm phán giá cả sao để có thể ổn định giá cả trong hợp tác với phía Nhật Bản, đảm bảo được lâu dài".
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại tại Ấn Độ cho biết, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng trưởng rất nhanh. Xã hội Ấn Độ có 4 tầng lớp, các mặt hàng xuất khẩu nên tập trung vào giới siêu giàu, bởi tầng lớp này tiêu dùng hoàn toàn khác biệt, họ chuộng hàng nhập khẩu có chất lượng cao. Tuy nhiên, cần tránh việc tận dụng lợi thế để xuất khẩu nhưng lại không biết bảo vệ lợi thế.
Một câu chuyện cụ thể được nêu ra về xuất khẩu mặt hàng hương (nhang). Mặt hàng hương của nước ta từng chiếm khoảng 90% thị phần xuất khẩu ở Ấn Độ. Tuy nhiên, lợi thế đó dần bị đánh mất, bởi một số doanh nghiệp đã chuyển giao công nghệ để họ tự sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước còn không đoàn kết, thời điểm đầu giá hương xuất khẩu 1.300 USD/tấn; cạnh tranh, hạ giá đến mức dưới giá thành là 800 USD/tấn. Cơ quan chức năng nước bạn thấy ngay dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh nên cấm nhập hương Việt Nam. Bộ Công thương phải can thiệp thì cho nhập khẩu lại với nhiều điều kiện ràng buộc, các doanh nghiệp đã tự làm khó mình.
Ông Bùi Trung Thướng ví tiềm năng xuất khẩu của Cà Mau là “kim cương”, nhất là trong xuất khẩu tôm. Thực tế, Ấn Độ đang cung cấp rất nhiều tôm cho Cà Mau chế biến, xuất khẩu. Việc cần làm là phải gắn mã số cho “kim cương” để khẳng định thương hiệu. Vấn đề còn lại là đừng tự đánh mắt lợi thế.
"Ấn Độ rất mong muốn học được các công nghệ chế biến của Việt Nam. Tại sao Ấn Độ cung cấp nguyên liệu tôm cho Cà Mau chế biến và xuất khẩu rất nhiều và mang lại giá trị gia tăng lớn hơn? Gần đây nước bạn mong muốn nước ta chuyển giao công nghệ chế biến. Hương là một bài học đau xót, cần tránh xảy ra những sự việc tương tự. Tại Ấn Độ, có chính sách bảo vệ rất nghiêm ngặt cho những phát minh, sáng chế. Đặc biệt là công nghệ có đầu tư của nhà nước, không bao giờ được xuất khẩu, chuyển giao" - ông Thướng cho biết thêm.
Ông Phạm Khắc Tuyên, Tham tán Thương mại tại Hàn Quốc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nên học doanh nghiệp Hàn Quốc ở cách làm thương hiệu. Thực tế, Hàn Quốc là nước có ít tiềm năng để phát triển nhưng lại rất biết cách xây dựng và phát triển thương hiệu để có được những thương hiệu quốc tế. Cà Mau là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về con cua, tôm thì tại sao chưa phát triển được?
Đăng ký chỉ dẫn địa lý và sở hữu trí tuệ là điều đầu tiên cần làm để giúp bảo vệ thương hiệu, đảm bảo thành công dài hạn. Tiếp theo là truy xuất nguồn gốc. Còn vấn đề lan tỏa sản phẩm, tạo cú hích lớn để tạo ra thương hiệu thì cần có những người nổi tiếng, có uy tín về, tham gia những chương trình, lễ hội gắn với tôm, cua Cà Mau.
Theo ông Phạm Khắc Tuyên, cần bỏ đi tư duy bán những thứ mình có và chế biến sản phẩm rất có giá trị nhưng không tạo ra được giá trị. Cần bứt khỏi suy nghĩ thông thường để tạo đột phá.
"Chúng ta cần thoát khỏi những suy nghĩ thông thường mới tạo ra được giá trị mới. Việc Hàn Quốc có những sản phẩm hay nội dung, gần nhất là những sản phẩm Văn học đạt giải Nobel có nghĩa là họ đã dứt ra được khỏi khuông mẫu thông thường và tạo ra được giá trị mới. Các bạn đó cũng sẵn sàng phối hợp cùng Bộ Công thương và tỉnh Cà Mau để tìm ra hướng đi mới, tạo ra sản phẩm mới đặc trưng, làm sao chúng ta có thể bán ở toàn cầu" - ông Tuyên nhấn mạnh.
Tham tán Thương mại của nước ta ở các nước Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đã khuyến nghị về: xây dựng, bảo vệ thương hiệu; tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh và đảm bảo, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu. Đây là những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp phát triển ổn định, lâu dài; cũng như giữ vững và nâng cao uy tín cho các sản phẩm xuất khẩu.