Cần một chiến lược để phát triển ngành cà phê bền vững

Phát triển cà phê trên cơ sở coi trọng yếu tố xã hội trong sản xuất đồng nghĩa với việc hỗ trợ người sản xuất cà phê về vốn, tạo sức cạnh tranh, bình ổn được giá thị trường trong nước

Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III năm 2001, sáng 13/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức Hội thảo “Phát triển cà phê bền vững”. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và các chuyên gia trong và ngoài nước.

Nghịch lý từ giá trị xuất khẩu

Theo ông Đoàn Xuân Hoà, Cục phó Cục Chế biến thương mại Nông lâm thuỷ sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) nêu rõ,

Ông Đoàn Xuân Hoà

ngành cà phê Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 483 triệu USD năm 2000 lên 2,1 tỷ USD năm 2008. Từ đó, đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung (với giá trị tổng sản lượng chiếm khoảng 2% GDP) và đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên. Cà phê cũng là nguồn thu nhập chủ yếu của khoảng 540.000 hộ gia đình nông dân trồng cà phê, hơn 1,6 triệu lao động, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị, xã hội tại các tỉnh Tây Nguyên và miền núi. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn cà phê nhân tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 10 nước là bạn hàng lớn.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và xuất khẩu cà phê luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn, cả về chất lượng, sản lượng và giá cả. Một nghịch lý đã và đang xảy ra, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta hàng đầu thế giới (với diện tích trên 500.000ha cà phê, hàng năm cho sản lượng trên dưới 1 triệu tấn nhân cà phê) nhưng giá trị xuất khẩu cà phê lại không đi cùng với thứ hạng này.

Cụ thể, nếu như vụ cà phê 2008/2009 được mùa với lượng xuất khẩu trên 1,17 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 1,94 tỷ USD, thì vụ 2009/2010, sản lượng sản xuất chỉ đạt gần 1,04 triệu tấn, lượng xuất khẩu xấp xỉ vụ 2008/2009 nhờ lượng hàng tồn kho từ vụ trước lớn, giá trị đạt trên 1,66 tỷ USD. Tuy con số này cũng khá khả quan nhưng năm 2010, ngành cà phê đã phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng khi giá xuống thấp và Chính phủ đã phải có chính sách “tình thế” hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp mua tạm trữ cà phê để chủ động điều tiết thị trường... Chính vì vậy, phát triển bền vững ngành cà phê là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Thách thức đối với ngành cà phê trong phát triển bền vững

Trong sản xuất nông nghiệp, các vườn cà phê chủ yếu của nông dân với diện tích không lớn (từ 2-5ha), gặp khó khăn trong việc áp dụng các chương trình sản xuất cà phê bền vững. Mặt khác, thay đổi nhận thức và tập quán của người nông dân trong việc cải tiến quy trình thâm canh, chăm sóc, thu hoạch là việc đòi hỏi có nhiều thời gian đầu tư trong thời gian dài; thiếu sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở hài hòa lơi ích giữa doanh nghiệp và nông dân; biến đổi khí hậu đang ngày càng gây ra những hậu quả nghiêm trọng cũng như khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn cầu...

Chính vì vậy, theo ông Đoàn Xuân Hòa cần phải có chính sách như: Tăng khả năng dự trữ cà phê, đảm bảo xuất khẩu mang lại lợi ích cao và bền vững; hỗ trợ khi giá cà phê xuống thấp; coi chế biến, xuất khẩu cà phê như là một ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện...

Một trong những vấn đề lớn đặt ra cho ngành cà phê hiện nay là: Diện tích cà phê già cần phải trồng lại lên đến gần 30% và để thực hiện được điều này, cần phải có một lượng vốn lớn với lãi suất ưu đãi để trồng lại theo lịch trình. Do vậy, vấn đề hỗ trợ vốn để tái canh cà phê là điều cần thiết. Đề xuất thành lập Quỹ Bảo hiểm cà phê cũng được đưa ra tại hội thảo này.

Quỹ Bảo hiểm cà phê sẽ được thành lập từ nguồn thu của các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cà phê tính theo khối lượng xuất khẩu, mức cụ thể tính trên cơ sở hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết: Vấn đề này VICOFA đã báo cáo các ngành có liên quan, trên cơ sở khi trình chiến lược phát triển cà phê ca cao Việt Nam sẽ trình phương án lập quỹ này. Khi doanh nghiệp xuất khẩu thì phải đóng vào đó một khoản để lập quỹ đó để phát triển ngành cà phê bền vững. Quỹ này sẽ dùng để tái đầu tư cho nông dân, như đầu tư về giống, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường. Đó là những đầu tư để phục vụ cho ngành cà phê Việt Nam.

Một thực tế khác là 80% diện tích cà phê ở Việt Nam nằm ở các nông hộ. Do vậy, rất khó để hình thành một nền sản xuất tập trung, bền vững. Việc thành lập các tổ hợp tác, các liên minh trong sản xuất cà phê để tạo sự thống nhất là điều cần thiết. Về vấn đề này, ông Đặng Kim Sơn, Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp Nông thôn  (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Không thể nào phát triển nền sản xuất lớn, dựa trên các tiêu chuẩn thế giới mà dựa trên nền sản xuất hàng vạn hộ nông dân với một vài héc-ta cà phê. Ngân hàng, cán bộ khuyến nông không thể nào mang tiền vốn, mang máy móc đến đi tìm ngần ấy hộ nông dân để hướng dẫn. Người thu mua cũng không thể nào đến thu mua cho tất cả ngần ấy người...”.

Theo ông Đặng Kim Sơn, còn những khó khăn khác như về thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi. Chính vì thế phải đi từ tổ hợp tác nông dân đến hợp tác xã và hiệp hội. Và hiệp hội này không chỉ gắn bó người nông dân mà phải liên kết người nông dân với người sản xuất, chế biến để làm thành khối thống nhất, tất cả cùng hướng đến cây cà phê, hạt cà phê Việt Nam thì đó mới là đích đến của một nền sản xuất hàng hoá. 

Cần sớm có chiến lược phát triển cho cây và ngành cà phê

 Ông Lương Văn Tự
Theo ông Lương Văn Tự, để phát triển cà phê Việt Nam bền vững, cần ổn định diện tích cà phê khai thác khoảng 500.000 ha với sản lượng từ 1-1,1 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn cà phê nhân, giữ được thị phần 15% trên thị trường thế giới. Ngoài thị trường truyền thống như các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản thì cần nhanh chóng mở rộng thị trường ra các nước như Trung Quốc, ASEAN để đón nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, nâng mức tiêu dùng cà phê trong nước lên mức từ 10-15% tổng sản lượng cà phê.

Bên cạnh đó, cần sớm có chiến lược phát triển cho cây và ngành cà phê; tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết mới; liên kết các nhà trồng cà phê thành một cụm để đầu tư chế biến cà phê ướt, sấy khô khi gặp thời tiết bất lợi; liên kết để bảo vệ quyền lợi, giữ giá bán có lợi cho nông dân; tổ chức lại mạng lưới các đại lý thu mua cà phê...

Vấn đề nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê cho cà phê Việt Nam cũng rất cấp bách và phải thực hiện bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, tuyên truyền, vận động người trồng cà phê thu hái quả chín; đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến cà phê để giảm tỉ trọng xuất khẩu cà phê thô.

Các ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, đến từ các cường quốc cà phê thế giới như Brazil, Colombia đều đề cập đến việc muốn phát triển cà phê bền vững phải tạo sự hài hoà giữa các yếu tố môi trường, giá cả và lợi ích kinh tế. Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu cà phê của các nước này là phát triển cà phê trên cơ sở coi trọng yêu tố xã hội trong sản xuất, đồng nghĩa với việc hỗ trợ người sản xuất cà phê về vốn, tạo sức cạnh tranh, bình ổn được giá thị trường trong nước. Giải quyết tốt những vấn đề này sẽ tạo cơ sở để ngành cà phê Việt Nam phát triển một cách bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên