Cần quản lý chặt hơn quy trình nuôi cá tra, cá ba sa
VOV.VN - Việc nuôi trồng đúng quy trình sẽ tránh được những rủi ro trước các quy định nguồn gốc xuất xứ, dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ.
Theo Đạo luật Farm Bill về chương trình giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ mới được công bố ngày 2/12 vừa qua và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/3/2016, cá tra và cá ba sa của nước ta chỉ được nhập khẩu vào Hoa Kỳ nếu chứng minh được sự tương đồng về nuôi tại Việt Nam với việc nuôi tại Mỹ.
Hiện nay, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang chuẩn bị những thủ tục cần thiết để việc xuất khẩu cá da trơn sang Hoa Kỳ không bị ách tắc trong thời gian tới.
VASEP cho biết, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt 6,5 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP đang khẩn trương thu thập thông tin, phân tích sự khác biệt trong quy trình chăn nuôi cũng như hệ thống các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến để phổ biến cho các hội viên và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra và cá ba sa.
Các cơ sở sản xuất, nuôi trồng cá tra và cá ba sa của Việt Nam cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình nuôi theo các quy định hiện hành. (Ảnh: KT) |
Với việc Hoa Kỳ thay đổi thẩm quyền giám sát các sản phẩm cá tra, cá ba sa từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sang Cục Kiểm dịch, Thanh tra An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS), cá tra, cá ba sa của các nước hiện đang xuất khẩu vào nước này phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để tồn tại được, các cơ sở sản xuất, nuôi trồng cá tra và cá ba sa của Việt Nam cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình nuôi theo các quy định hiện hành. Đặc biệt, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi cần được thực hiện theo khoa học để không bị dư lượng hóa chất, kháng sinh.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP khuyến nghị, người nuôi trồng thủy sản phải rất cẩn thận khi tiếp cận với các loại thức ăn chăn nuôi trên thị trường để đảm bảo được sử dụng đúng theo quy định. Việc nuôi trồng đúng quy trình sẽ tránh được những rủi ro trước các quy định nguồn gốc xuất xứ, dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ./.