Cần “thay áo mới” cho các khu công nghiệp tại TP.HCM
VOV.VN - Hiện TP.HCM có 17 khu công nghiệp và khu chế xuất nhưng đều đang cần được thay áo mới để đáp ứng yêu cầu phát triển. TP.HCM đang xây dựng Đề án Định hướng phát triển các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2040 để tái cấu trúc.
Cần tái cấu trúc
Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM có 23 khu công nghiệp, khu chế xuất với diện tích hơn 5.900 ha. Sau 30 năm xây dựng, đến nay TP.HCM đã có 17 khu chế xuất - khu công nghiệp với tổng diện tích 4.000 ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 80%. Hiện nay, các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là chi phí sử dụng đất cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, diện tích đất dành cho công nghiệp hạn chế, nhiều ngành thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp. Nhiều doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, giữa các khu chế xuất - khu công nghiệp và giữa các khu chế xuất - khu công nghiệp với các địa phương còn hạn chế; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển…
Nhiều khu được thành lập thời kỳ đầu những năm 90 như: Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung 1 và 2, Khu công nghiệp Bình Chiểu, Tân Thới Hiệp, Vĩnh Lộc, Tân Bình, Tân Tạo, Tây Bắc Củ Chi, Hiệp Phước giai đoạn 1, đã hoạt động được hơn một nửa thời hạn của dự án. Nhiều khu công nghiệp thời hạn hoạt động còn chưa đến 20 năm nên doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ thì do dự vì thời gian còn lại ngắn.
“TP.HCM cần xây dựng đề án nhanh để chuyển đổi các khu công nghiệp thể hiện các mục tiêu phát triển của Thành phố. Ví dụ như Khu công nghiệp A chuyển đổi thế nào? Khu công nghiệp B chuyển đổi thế nào? để doanh nghiệp ở trong các khu biết và có bước chuẩn bị. Nếu ngành nghề chuyển đổi phù hợp với họ thì phải ưu tiên cho họ tiếp tục ở lại phát triển. Còn nếu ngành nghề không phù hợp thì cho doanh nghiệp biết trước để có thời gian không mở rộng đầu tư, xây dựng thêm”, ông Trần Quang Trường, Tổng Giám đốc Công ty Tanimex, Khu Công nghiệp Tân Bình kiến nghị.
Khu chế xuất Tân Thuận, mô hình thì điểm đầu tiên trong cả nước và khá thành công với diện tích 300 ha. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở khu này mong muốn sau khi hết hạn thuê đất vào năm 2041 Thành phố phát triển khu này theo hướng thu hút đầu tư công nghệ cao.
“Chúng tôi xin chủ trương UBND TP chấp thuận cho xây dựng cụm công nghệ cao với diện tích khoảng 8-10 ha trong Khu chế xuất Tân Thuận để làm thí điểm cho việc chuyển đổi mô hình đầu tư của khu này sau này. Đối với các nhà đầu tư công nghệ đã tồn tại trong khu hoặc muốn đầu tư công nghệ cao vào khu thì tôi đề nghị gia hạn thêm 20 năm để khuyến khích họ đầu tư”, ông Tsao Chung Hung, Tổng giám đốc Khu chế xuất Tân Thuận đề nghị.
Phát triển công nghiệp sinh thái
Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì TP.HCM nên tái cấu trúc các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái tuần hoàn, dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và công nghệ, vật liệu mới. Khi đó, thành phố sẽ giải quyết được tình trạng thâm dụng lao động. Đồng thời, thành phố sẽ thực hiện được vai trò là đầu mối xuất khẩu và là nơi chuyển giao công nghệ cho các khu công nghiệp ở các tỉnh lận cận. Điều quan trọng là thành phố chọn lọc từng phân khúc thu hút đầu tư theo hướng dẫn dắt chứ không phải sản xuất đại trà.
Theo TS. Nguyễn Tấn Khuyên, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, thành phố cần có lộ trình và chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có cơ hội chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất phù hợp.
“Muốn như vậy thì TP.HCM cần có vốn. Sự đầu tư này là đầu tư cho chuyển đổi và phát triển, doanh nghiệp không tự bỏ vốn ra mà TP.HCM xác định được nguồn lực, chi phí để đạt được mục tiêu với nền sản xuất công nghệ mới trong tương lai. Thành phố phải có nguồn ngân sách đủ lớn cho tái cấu trúc”, TS. Nguyễn Tấn Khuyên nêu rõ.
TP.HCM đang xây dựng đề án để có lộ trình thích hợp, từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp - khu chế xuất hiện hữu hiệu quả hơn. Thành phố cũng sẽ có cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi, tái cơ cấu từng khu công nghiệp, khu chế xuất.
“TP.HCM dù phát triển dịch vụ đến đâu thì cũng phải giữ nền sản xuất công nghiệp. Chúng ta phát triển sản xuất công nghiệp không phải như tình trạng hiện nay mà sẽ phát triển theo yêu cầu mới, có chất lượng cao hơn. Chúng ta nâng cấp nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn”, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.
Những năm tới đây, việc tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ phát huy được những lợi thế của TP.HCM về nguồn nhân lực và vị trí trung tâm trong kết nối liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.