Cần tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt
Nếu thực hiện kiên trì chính sách này, chắc chắn lạm phát sẽ hạ nhiệt và cả năm sẽ ở mức 18,7%.
Việc thắt chặt chính sách tài chính và tiền tệ nhằm ổn định kinh tế đã làm chậm đà tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm 2011. Trong khi đó, lạm phát vẫn tăng cao ở mức trên 20% trong giai đoạn giữa năm khiến nhiều người nghi ngờ mục tiêu kéo giảm chỉ tiêu này của Chính phủ.
Kiên trì thực hiện Nghị quyết 11
Trong báo cáo công bố sáng 14/9, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn đặt niềm tin vào chính sách này, đồng thời khẳng định, hiệu quả đạt được đối với việc ổn định kinh tế sẽ phụ thuộc vào việc duy trì thắt chặt chính sách cho tới khi lạm phát thực sự dịu đi.
ADB khuyến nghị Việt Nam cần kiên trì thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ (ảnh V.H) |
Theo đánh giá của ADB, Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đã góp phần ổn định tỷ giá ngoại hối, cho phép nâng cao mức dự trữ ngoại tệ và giảm tốc độ tăng lạm phát theo tháng trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8/2011.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của ADB nhấn mạnh rằng, vẫn còn quá sớm để Việt Nam có thể nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô bởi lạm phát theo năm vẫn ở mức trên 20%. Việc nới lỏng chính sách quá sớm có thể làm giảm hiệu quả những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, làm mất niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vào đồng Việt Nam và gây ra sức ép tụt giảm dự trữ ngoại tệ. Triển vọng ngắn hạn phụ thuộc nhiều vào việc Chính phủ thực hiện được cam kết tiếp tục hướng tới khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô.
“Việc duy trì và thực hiện nhất quán Nghị quyết 11 sẽ làm giảm lạm phát và góp phần hạ lãi suất, qua đó, sẽ kích thích niềm tin của các nhà đầu tư và thúc đẩy được các hoạt động kinh tế” - Chuyên gia kinh tế của ADB Dominic Mellor phân tích.
Cũng theo ông Mellor, việc thông qua Nghị quyết 11 đã cho thấy các cơ quan chức năng sẵn sàng đặt mục đích ổn định kinh tế vĩ mô lên trên tăng trưởng nhanh. Điều này được khẳng định rõ ràng hơn khi Chính phủ điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2011 trong tháng 6 xuống còn 6% (Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 2011-2020 đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 7%-8%).
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách thắt chặt bao gồm việc kiểm soát tín dụng và nguồn cung tiền, cũng như kiểm soát việc tăng lãi suất. Kết quả là, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại, ước tính đến giữa tháng 8/2011 ở mức 23,6% tính theo năm và 8,2% tính từ đầu năm đến nay. “Điều này cho thấy Chính phủ có thể đạt được mục tiêu duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức 20% trong năm 2011 (giảm từ 32,4% trong năm 2010)” - ông Mellor nói.
Tuy nhiên, ông Mellor cũng nhận xét rằng thị trường vẫn đang nhận được những tín hiệu khác nhau về các chính sách tiền tệ và tài chính, và điều này đang làm giảm hiệu quả của gói chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Dẫn chứng là trong khi thực hiện cắt giảm chi tiêu công và đặt mục tiêu thâm hụt tài chính thấp hơn so với đầu năm 2011, Bộ Tài chính lại đồng thời tăng một số chi tiêu xã hội, sau đó đề xuất miễn giảm thuế cho doanh nghiệp. ADB lưu ý, các nhà đầu tư sẽ có nhiều niềm tin hơn vào quản lý kinh tế nếu như các chính sách và việc xây dựng chính sách được thực hiện một cách rõ ràng, nhất quán và minh bạch hơn.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura nêu quan điểm, khôi phục kinh tế vĩ mô là ưu tiên trước mắt, nhưng việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát cao đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn trong cải cách cơ cấu. Những cải cách này bao gồm các nút thắt cổ chai trong sản xuất và lưu thông, bảo đảm an toàn cho ngành tài chính, tăng cường hiệu quả đầu tư công và áp đặt cho những nguyên tắc thị trường đối với các doanh nghiệp lớn của nhà nước.
“Khi quản lý tốt tỷ giá hối đoái và tăng trưởng tín dụng thì sẽ tạo điều kiện cho kinh tế vĩ mô phát triển” – ông Tomoyuki Kimura nói.
Ngoài ra, ADB cũng khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước phải cẩn trọng duy trì cân bằng những nỗ lực nhằm hỗ trợ các ngân hàng cũng như nhu cầu bảo vệ nguồn tiền tiết kiệm thực của người gửi tiền. “Lãi suất phải bù được lạm phát, lớn hơn lạm phát thì người dân mới có mong muốn giữ tiền đồng, nghĩa là họ phải dược thu lợi thực sự” – ông Mellor phân tích.
Lạm phát cả năm sẽ ở mức 18,7%
Với dự báo Chính phủ sẽ duy trì chính sách thắt chặt tài chính và tiền tệ cho tới khi lạm phát sụt giảm, các chuyên gia kinh tế của ADB nhận định niềm tin vào tiền đồng được củng cố, dự trữ ngoại tệ tiếp tục được tăng cường. Dự báo, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt khoảng 5,8%. Tỷ lệ này của năm 2012 sẽ được nâng lên, khoảng 6,5%, lạm phát suy yếu và môi trường kinh tế vĩ mô trong nước nhìn chung ổn định hơn sẽ kích thích các nhà đầu tư và tăng niềm tin của người tiêu dùng.
Trong nửa sau của năm 2011, tăng trưởng GDP được dự đoán sẽ cao hơn một chút so với nửa đầu năm. Chính phủ đã quyết định áp dụng tăng lương tối thiểu từ ngày 1/10/2011, và điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong tiêu dùng cá nhân. Đợt tăng lương cơ bản này được áp dụng cho cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, và có mức tăng từ 29% tại các khu vực thành thị lớn đến 52% tại các khu vực kém phát triển hơn.
Lạm phát sẽ dần hạ nhiệt (ảnh KT) |
Thay mặt cho nhóm nghiên cứu, ông Mellor cho rằng, lạm phát sẽ hạ nhiệt dần. Sản xuất lương thực sẽ tăng khi ngành nông nghiệp hồi phục sau tác động của thời tiết xấu và nguồn cung thịt lợn được cải thiện (phản ứng với giá tăng cao). Các tác động của việc thắt chặt chính sách đồng tiền ổn định dần, tăng trưởng tín dụng chậm lại, chi tiêu dùng và đầu tư chậm lại đều sẽ góp phần kìm hãm lạm phát. Trên cơ sở những yếu tố đó, lạm phát được dự báo ở mức trung bình cả năm 2011 là 18,7% và giảm xuống còn 11% trong năm 2012 nhờ kết quả của việc thắt chặt chính sách và dự báo giá dầu và lương thực toàn cầu hạ nhiệt.
Cuối cùng, ông Mellor khẳng định: “Một môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định hơn trong năm 2012 sẽ kích thích đầu tư nước ngoài và khuyến khích người dân gửi vào hệ thống ngân hàng một lượng lớn ngoại tệ và vàng mà họ đang giữ ở nước ngoài hoặc ngoài hệ thống ngân hàng”./.