Cần từng bước điều chỉnh giá than bán cho 3 hộ tiêu thụ lớn

Để đảm bảo an ninh năng lượng, mặt khác từng bước thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết: Giá than bán cho 3 hộ tiêu thụ lớn cần phải được từng bước điều chỉnh.

* Ngày 21/10, trong cuộc giao ban báo chí hàng tuần tại Bộ Thông tin Truyền thông, đề cập tới việc điều hành giá than bán cho 4 hộ tiêu thụ than lớn (sản xuất điện, phân bón, xi măng, giấy), Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng: Giá bán than hiện nay bán cho 4 hộ tiêu thụ than lớn này thấp hơn giá thành từng chủng loại than (từ 20% đến 60% giá thành), thấp hơn giá bán cho các hộ tiêu dùng lẻ (từ 40 đến 63% giá bán hộ lẻ trong nước) và càng thấp hơn so với giá than xuất khẩu (từ 21 đến 40%). Nếu không điều chỉnh giá than trong năm 2008, thì mức tăng giá bán than trong năm 2009 cho các hộ tiêu thụ này sẽ tăng mạnh, ngoài ra các hộ sử dụng than lớn (xi măng, giấy, phân bón) còn chịu tác động của điều chỉnh giá điện trong năm 2009, như vậy sẽ tác động mạnh và tác động kép đến giá bán sản phẩm đầu ra của các hộ có sử dụng than.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, mặt khác từng bước thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết: Giá than bán cho 3 hộ tiêu thụ lớn (sản xuất phân bón, giấy, xi măng) cần phải được từng bước điều chỉnh. Trước mắt, giá bán than cho 3 đối tượng này điều hành theo hướng tiệm cận hoặc ngang với giá thành, tùy từng chủng loại than và đối tượng tiêu thụ; đồng thời tạm thời giữ ổn định giá than bán cho sản xuất điện. Khi điều chỉnh giá điện, giá than bán cho điện sẽ được điều chỉnh từng bước theo lộ trình điều chỉnh giá bán điện

* Trước việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang phải tính toán khoản lỗ kinh doanh xăng trước đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Mặc dù giá xăng được điều chỉnh lên trong tháng 2 và tháng 7/2008 nhưng doanh nghiệp vẫn chưa đủ bù đắp chi phí (do giá bán xăng trong nước thấp hơn giá thành) nên việc kinh doanh mặt hàng này còn bị lỗ. Vì vậy, đối với số lỗ này từ ngày 21/7/2008 trở về trước (bao gồm cả số lỗ năm 2007 nếu có), các doanh nghiệp được trích lại 1.000 đồng/lít xăng từ lợi nhuận trước thuế trên tổng số lượng xăng tiêu thụ từ tháng 10/2008 để hoàn trả nguồn vốn tạm ứng của Ngân sách Nhà nước (NSNN).

Theo ông Hà, thời gian để các doanh nghiệp trích lại 1.000 đồng/lít xăng từ lợi nhuận được thực hiện trong vòng 8 tháng, nhưng cũng có doanh nghiệp phải mất khoảng 30 tháng mới trả đủ cho NSNN. Nhà nước sẽ quy định thời gian trung bình cho các doanh nghiệp trích lại một phần lợi nhuận để trả nợ. Sau thời gian này, nếu không trả đủ, doanh nghiệp đó sẽ phải dùng nguồn vốn hợp pháp để trả NSNN.

Đối với sản phẩm dầu, kể từ ngày 16/9/2008 (đối với dầu diezen) và từ 21/7/2008 (đối với dầu hỏa và mazut) trở về sau, Nhà nước sẽ không bù lỗ cho các mặt hàng đó. Việc kinh doanh các mặt hàng này sẽ căn cứ vào giá thị trường thế giới, chính sách thuế và kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh: Xăng dầu là mặt hàng quan trọng của nền kinh tế quốc dân; vì vậy việc dự trữ mặt hàng xăng, dầu là hết sức cần thiết. Theo quy định, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải dự trữ hàng tồn kho đủ bán tối thiểu là 30 ngày. Việc dự trữ này làm cho chi phí kinh doanh tăng thêm, mặt khác trong trường hợp giá xăng dầu thế giới giảm thì giá vốn hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Do đó, việc xác định giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu cũng phụ thuộc nhiều vào số lượng và giá vốn hàng tồn kho.

Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ không bù lỗ hoạt động kinh doanh xăng dầu, có thu được thuế. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tính toán bù đắp phần lỗ kinh doanh xăng trước đây, tính toán chi phí, xác định giá bán hợp lý đăng ký với cơ quan Nhà nước. Liên Bộ Tài chính - Công thương phối hợp giám sát việc đăng ký giá của các doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên