Căng thẳng Biển Đông, vốn FDI vẫn có xu hướng vào Việt Nam
VOV.VN -Theo HSBC, những căng thẳng trên Biển Đông có tác động về kinh tế ngắn hạn, nhưng vốn FDI vẫn có xu hướng vào Việt Nam.
Nghiên cứu về triển vọng thị trường Việt Nam vừa được Ngân hàng HSBC công bố với nhận định: Những căng thẳng trên Biển Đông thời gian gần đây có tác động kinh tế ngắn hạn từ căng thẳng địa chính trị sẽ tương đối hạn chế nhưng với một số ngành như dịch vụ du lịch thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Nhìn chung, các nhà đầu tư chính vẫn không thay đổi và vốn FDI vẫn có xu hướng vào Việt Nam.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã giúp làm giảm các tác động tiêu cực lên quá trình tăng trưởng (Ảnh minh họa/KT) |
Cụ thể, HSBC phân tích: Đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn trong việc tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là khi khối đầu tư công và tư trong nước đang giảm. Điều này phần nào phản ánh quá trình cải cách đang diễn ra khi chính phủ cố gắng giảm thiểu sự kém hiệu quả của đầu tư công và đầu tư của các doanh nghiệp quốc doanh. Khối doanh nghiệp tư nhân cũng đang trong quá trình thoái nợ khiến cho nhu cầu đầu tư cũng yếu hơn.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã giúp làm giảm các tác động tiêu cực lên quá trình tăng trưởng. Số vốn FDI vào Việt Nam khá lớn so với GDP, tỉ lệ đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. Trong số vốn FDI đang có ở Việt Nam, đa phần đến từ các nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan.
Tuy vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây nhưng tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc còn nhỏ. Vì thế mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đơn thuần là mối quan hệ chuỗi cung ứng cấp 1 hơn là mối quan hệ đầu tư. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Phần lớn hàng hóa nhập từ Trung Quốc dùng là nguyên liệu cho sản xuất dệt may như vải sợi, bông và máy móc. Tuy nhiên hàng tiêu thụ nhập khẩu từ Trung Quốc cũng khá lớn.
Vì thế, HSBC khẳng định rằng, tác động kinh tế ngắn hạn từ căng thẳng địa chính trị sẽ tương đối hạn chế nhưng với một số ngành như dịch vụ du lịch thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Du khách đến từ Trung Quốc hiện đang chậm lại nhưng chúng tôi dự đoán lượng du khách này sẽ trở lại con số bình thường trong những tháng tới. Các nhà đầu tư chính vẫn không thay đổi và vốn FDI vẫn có xu hướng vào Việt Nam.
“Trong khi chưa thể đánh giá đầy đủ về sự tác động dài hạn, nhiều khả năng các nhà sản xuất tại Việt Nam sẽ cố gắng nội địa hóa nguyên liệu đầu vào để tăng cường quản lý chuỗi cung ứng của mình và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc cũng như đáp ứng được yêu cầu của hiệp ước TPP”- HSBC nhận định.
Từ đầu năm 2013, HSBC từng lập luận rằng, các nước Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là Việt Nam và Indonesia nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc của các công ty sản xuất cần sử dụng nhiều lao động như là sự đa dạng hóa đầu tư. Các thị trường này hấp dẫn không chỉ bởi chi phí lao động nhưng còn ở tiềm năng tăng trưởng của họ. Tuy nhiên, FDI chỉ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển dựa trên tính hiệu quả nó, không phải nguồn vốn FDI nào cũng như nhau.
Nhìn lại các phân tích về lượng các tác động của FDI lên sự phát triển, HSBC cảnh báo rằng: FDI sản xuất, đặc biệt là là các ngành tuyển dụng nhiều lao động địa phương, là nguồn vốn đem lại nhiều lợi ích nhất. Quốc gia chủ nhà có thể sẽ không tạo được cú hích dài hạn nếu họ chỉ tìm cách thu hút FDI mà bỏ qua việc cân nhắc lợi ích của nó với nền kinh tế địa phương./.