Cảnh báo xuất nhập khẩu với thị trường UAE

(VOV) -Theo Bộ Công Thương, thời gian gần đây, xuất hiện một số vụ việc gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian gần đây, xuất hiện một số vụ việc trong các hoạt động giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và UAE, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp tìm hiểu kỹ về đối tác, về các quy định quản lý nhập khẩu của cả UAE và Việt Nam, nâng cao nghiệp vụ giao dịch, nghiệp vụ ngoại thương, cẩn thận trong khâu dự thảo, đàm phán và ký hợp đồng để tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Hiện, UAE vẫn đang là thị trường lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á, với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 2,1 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu từ UAE đạt 303 triệu USD năm 2012.

Ký hợp đồng đơn giản, không có điều khoản đảm bảo thực hiện hợp đồng

Trong trường hợp này, Công ty X của Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu cá ngừ cho Công ty Y của UAE với điều khoản giao hàng và thanh toán như sau: Công ty X giao hàng trước ngày 30/5/2012; Công ty Y thanh toán trước TT 10% giá trị hợp đồng, 90% giá trị còn lại trả nốt khi bên bán gửi fax hoặc e-mail bộ chứng từ gửi hàng gốc. Sau khi Công ty Y thanh toán 10% giá trị hợp đồng vào ngày 30/5/2012, Công ty X tiến hành thu mua nguyên liệu và chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu, chuẩn bị giao hàng vào thời hạn trong hợp đồng (đã điều chỉnh) trước ngày 28/6/2012. Tuy nhiên, trước khi chuẩn bị xuất hàng, Công ty Y thông báo không thể thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký. Do đã chuẩn bị nguồn hàng, nay không giao hàng được cho đối tác, Công ty X đã chịu thiệt hại do phải bán hàng giá rẻ cho một Bên mua khác.

Trường hợp này, hình thức hợp đồng ký giữa hai Bên là proforma invoice, chỉ gồm các điều kiện đơn giản liên quan đến hàng hóa (khối lượng, giá cả, giá tiền, đóng gói); vận chuyển (ngày giao hàng lên tàu, chuyển tải được phép); thanh toán (TT 10% trả trước, 90% còn lại thanh toán khi Bên Mua nhận được scan chứng từ gửi hàng gốc); ngân hàng thông báo; và một số các chứng từ cần có (Vận đơn, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, chứng nhận y tế, chứng nhận xuất xứ, chứng nhận không chiếu xạ).

Bộ Công thương cho rằng, trong trường hợp này, Bên Bán nên yêu cầu Bên Mua thanh toán trước 10% và quy định đây là tiền đặt cọc đảm bảo thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp Bên Mua không thực hiện đúng nghĩa vụ sẽ mất tiền đặt cọc.

Các doanh nghiệp tham khảo Hợp đồng mẫu của ITC đối với mua bán hàng hóa quốc tế (được in trong cuốn “Mẫu Hợp đồng Thương mại dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Chỉ dẫn đối với hoạt động thương mại quốc tế” do VCCI phối hợp với ITC và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ phát hành).

Không tuân thủ quy định nhập khẩu của nước sở tại

Công ty X của Việt Nam ký hợp xuất khẩu cá ngừ cho Công ty Y của UAE. Mọi giao dịch thông qua một Công ty Z tại Ấn Độ. UAE có quy định cụ thể và nghiêm ngặt về nhãn mác, báo gói sản phẩm thực phẩm, thủy sản nhập khẩu.

Tuy nhiên, Công ty X đã không biết hoặc không quan tâm đúng mức đến quy định này. Do Công ty trung gian X tại Ấn Độ không đề cập đến quy định nhãn mác của UAE và đã đồng ý để Công ty X giao hàng sang UAE, khi hàng đến cảng đã bị Cơ quan chức năng giữ lại và không cho phép thông quan.

Hiện nay Công ty X đang phải tìm cách để đưa hàng trở lại Việt Nam.

Khách không nhận hàng để tạo sức ép buộc giảm giá

Một Công ty X của Việt Nam giao hàng sang UAE, sử dụng phương thức thanh toán L/C trả ngay. Tuy nhiên, khi bộ chứng từ được chuyển cho Ngân hàng tại UAE, Ngân hàng này trả lại toàn bộ chứng từ, không chấp nhận thanh toán với lý do Bên mua không đồng ý nhận hàng. Đây là một hình thức hậu thuẫn không lành mạnh của ngân hàng đối với doanh nghiệp nhằm ép giá Bên Bán (doanh nghiệp Việt Nam).

Lô hàng chè thành phẩm không được làm thủ tục thông quan.

Một Công ty X của Việt Nam nhập khẩu mặt hàng trà túi lọc Ahmad của UAE, khi hàng về đến cảng tại Việt Nam đã không được các cơ quan chức năng cho thông quan. Nguyên nhân: Công ty X không nắm vững và cập nhật quy định luật pháp liên quan đến quản lý nhập khẩu mặt hàng thực phẩm vào Việt Nam và đã không tham khảo, tìm hiểu thông tin trước về mặt hàng mình định nhập khẩu với các cơ quan liên quan trước khi tiến hành nhập khẩu.

Theo thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT ban hành ngày 16/3/2011 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2011 quy định hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu vào Việt Nam phải được sản xuất tại quốc gia được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm hàng hóa theo quy định của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật của nước xuất khẩu phải đăng ký với Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad). Nafiqad đã có công văn số 1211/QLCL-CL2 ngày 14/7/2011 gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng nông sản yêu cầu phổ biến Quy định của Thông tư tới các đối tác thương mại và yêu cầu các doanh nghiệp liên quan sau ngày 01/7/2011 chỉ ký hợp đồng với các doanh nghiệp tại nước xuất khẩu đã đăng ký với Việt Nam.

Một số mặt hàng nguồn gốc thực vật sản xuất tại UAE có khả năng xuất khẩu vào Việt Nam và thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 13 nói trên gồm quả chà là (mã HS 0804), cà phê rang hoặc chưa rang (mã HS 0901), chè đã hoặc chưa pha hương liệu (mã HS 0902), v.v...

Trong trường hợp này, mặt hàng chè đã hoặc chưa pha hương liệu nằm trong phạm vi điều chỉnh của Thông tư 13 và UAE không nằm trong danh sách 16 quốc gia đã đăng ký và được công nhận.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên