“Cao su Việt Nam, sợi dây kết nối kinh tế và tình người” trên nước bạn Campuchia
VOV.VN - Sau 17 năm đứng chân trên đất nước bạn Campuchia, đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có 16 công ty cao su trải dài trên 7 tỉnh của Campuchia, với diện tích trồng gần 90.000ha và sản lượng đạt 141.000 tấn/năm.
Người Campuchia gắn bó với cây cao su Việt
Nhìn lại sau gần 2 thập kỷ, để có được kết quả như ngày hôm nay, những người gắn bó với cây cao su trên đất bạn vẫn chưa quên được những ngày gian khó.
Kể về những ngày đầu có mặt ở xã Kroyea, huyện Santuk, tỉnh Kamphong Thom vào năm 2009, ông Lê Quốc Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Bà Rịa - Kamphong Thom chia sẻ: Những ngày đầu đến đây gây dựng, trong số 10 người, có 8 người Việt và 2 người Campuchia phải dựng lán trại để ở, lấy nước suối nấu cơm. Những người tiên phong phải chịu đựng những cơn sốt rét, bám trụ và tìm kiếm lao động để bắt đầu tạo dựng vùng trồng.
Vượt qua gian khó, sau 15 năm, đến nay cao su Bà Rịa - Kamphong Thom đã và đang khai thác, sử dụng gần 7.250 ha cao su. Số lao động của công ty đã gần 1.700 người, trong đó, 1.600 lao động là người Campuchia. Trong số những lao động người Campuchia gắn bó với cây cao su Việt Nam từ thuở ban đầu, có không ít người là du học sinh Campuchia ở Việt Nam.
Tốt nghiệp chuyên ngành ngân hàng của trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, anh Buong Sophorn (43 tuổi) trở về nước để khởi nghiệp. Sau bao năm bôn ba ở Thủ đô Phnom Penh, năm 2009, anh quyết định gửi đơn xin vào làm việc ở Công ty Cao su Phước Hòa- Kampong Thom.
Nhìn lại quãng thời gian gần 15 năm gắn bó với cây cao su, Trưởng phòng Thanh tra bảo vệ Công ty TNHH Phát triển Cao su Phước Hòa - Kampong Thom, Buong Sophorn thấy rằng, quyết định rời thủ đô Phnom Penh về đây là rất đúng đắn. Ở đây, ngoài mức thu nhập 900 USD mỗi tháng, anh còn được tin tưởng giao trách nhiệm quản lý gần 80 nhân sự, gia đình anh còn có cuộc sống ổn định. Hiện giờ, anh đã mua được đất và xây nhà riêng.
“Lãnh đạo công ty luôn xem xét để tạo điều kiện cho người Campuchia để bố trí lên vị trí Phó Giám đốc, hiện nông trường 3 đã có Phó Giám đốc, còn nông trường 1 và 2 chưa có. Công ty cũng tạo điều kiện tối đa để những lao động địa phương có khả năng làm việc tốt để bố trí những chức vụ quản lý”, anh Buong Sophorn trải lòng về dự tính trong tương lai.
Cũng từng đi du học, anh Sar Van Din (44 tuổi), đang là Phó Giám đốc Phụ trách đối ngoại Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom kể lại, năm 2006, sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ tại Việt Nam, anh về nước và công tác tại UBND tỉnh Kampongthom. Khi biết đến các dự án cây cao su của Việt Nam, nhận thấy ở đây sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, anh Sar Van Din đã quyết định đầu quân cho dự án cao su từ năm 2007.
Gắn bó với dự án cao su Tân Biên - Kampong Thom từ những ngày khai hoang, trồng mới, anh Sar Van Din khẳng định rằng, các dự án cao su của Việt Nam không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương, còn tạo công ăn việc làm ổn định. Nguồn thu nhập của công nhân cao su cao hơn mặt bằng chung tại địa phương nên đa phần đều gắn bó với công việc. Ngoài trồng cao su, các dự án còn hỗ trợ cho dân khu vực lân cận làm đường. Người lao động trong các dự án cao su được quan tâm, hỗ trợ với rất nhiều chính sách. Chính những chính sách này đã giữ chân anh Sar Van Din ở lại và gắn bó với cao su Việt Nam cho đến nay.
“Nói chung cơ hội, thu nhập và tiền lương từ công ty cao su Việt Nam khá ổn so với bằng bằng chung tại Campuchia hiện nay. Bên cạnh đó, sau thời gian gắn bó tôi có tình cảm với các chú bác và anh em người Việt trong công ty, đã tạo được sự tin tưởng của mọi người, chính vì sự tin tưởng này mà tôi gắn bó cho đến ngày hôm nay”, anh Sar Van Din bày tỏ.
Góp phần phát triển kinh tế Campuchia
Sau 17 năm hiện diện trên đất bạn Campuchia, các công ty cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã triển khai khoảng 90.000ha trồng cây cao su. Với giá bán bình quân hiện nay ước đạt 41 triệu đồng mỗi tấn, ước tổng doanh thu đạt trên 5.500 tỷ đồng, đạt 111% so kế hoạch năm.
Song song với hoạt động sản xuất kinh tế, các doanh nghiệp cao su Việt Nam luôn quan tâm đến đời sống của công nhân, làm tốt chính sách an sinh xã hội, từ đó góp phần mang lại sắc thái, diện mạo mới cho địa bàn dân cư quanh vùng nơi công ty trú đóng, được công nhân, người dân và chính quyền địa phương nước sở tại đánh giá cao.
Ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam (VGR) cho biết, mới đây, những dự án cao su Việt Nam được các Bộ ngành và Chính phủ Hoàng gia Campuchia đánh giá rất cao.
“Rõ ràng doanh nghiệp chúng ta nói thật làm thật. Doanh nghiệp tạo việc làm cho hơn 20.000 người công nhân, chưa tính giai thuộc. Chế độ an sinh họat động xã hội cũng được chăm sóc rất tốt. Đây là điều mà chính phủ Campuchia rất thích và đánh giá cao khi ổn định được đời sống người dân. Chính vì vậy, những nơi có dự án cao su Việt Nam tình hình an ninh trật tự rất tốt và họ đánh giá rất cao mình vấn đề này”, ông Trung nói.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, cây cao su cũng đã đóng góp to lớn vào quá trình tăng độ che phủ, chống xói mòn, giữ nước, bảo vệ môi trường sinh thái. Các Công ty cao su Việt Nam còn tạo dựng nhiều cộng đồng dân cư đông đúc, sôi động và đầy sức sống. Những dự án cao su Việt đã khởi tạo sinh kế người dân Campuchia tại vùng sâu, vùng xa trở nên trù phú hơn, có của ăn của để, góp phần ổn định cuộc sống người dân lâu dài và bền vững, từ đó gắn kết tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Ông Yim Chhayly, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, kiêm Chủ tịch Hội đồng Khôi phục và Phát triển nông nghiệp nông thôn Campuchia đánh giá, trong quá trình đầu tư sang Campuchia, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, như tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
“Bên cạnh đó, Tập đoàn Cao su còn xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống, trạm y tế, trường học và thực hiện đầu tư dự án đúng luật pháp Campuchia. Ngoài việc chăm lo đời sống cho người lao động, các công ty cao su tại đây đã tích cực đóng góp rất lớn cho các hoạt động an sinh xã hội của địa phương”, ông Yim Chhayly nêu.
Dưới những tán cao su Việt Nam trên đất Campuchia, cuộc sống của người dân nước bạn đang dần thay đổi. Các dự án cao su mang lại cơ hội việc làm cho người dân Campuchia, đặc biệt ở vùng nông thôn, qua đó góp phần giảm nghèo, đóng góp vào sự phát triển của đất nước bạn. Nhưng hơn hết, việc đầu tư cây cao su vào Campuchia, cũng giúp Việt Nam thể hiện vai trò đối tác chiến lược, xây dựng lòng tin và thúc đẩy quan hệ hai nước.