Cây chanh leo xóa đói giảm nghèo cho vùng cao Lai Châu
VOV.VN - Nhờ điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp, cây chanh leo đã mang lại nguồn thu nhập ổn định và giúp bà con nông dân Lai Châu cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.
Hiệu quả của mô hình liên kết giữa người dân và doanh nghiệp đã hình thành các vùng sản xuất chanh leo theo hướng hàng hóa, mở ra hướng làm giàu mới cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Lai Châu.
“Thấy bà con trong bản, trong xã trồng nhiều nên là gia đình tôi cũng mạnh dạn đi vay tiền về mua giống, phân bón để trồng”; “Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con trong bản chuyển đổi diện tích ruộng cấy lúa thu nhập thấp chuyển sang trồng cây khác, đặc biệt là cây chanh leo”, đó là chia sẻ của anh Giàng A Cháo và Bí thư Chi bộ Chảo A Sử, ở bản Nậm Dê, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu về loại cây trồng mới này ở bản.
Dù mới đưa vào trồng mấy năm, nhưng đến nay cây chanh leo đã dần khẳng định vị thế quan trọng trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con trong bản, trong xã Sơn Bình. Với đặc tính dễ trồng, thích nghi tốt với khí hậu vùng núi cao và thời gian thu hoạch kéo dài, cây chanh leo không chỉ giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn giảm thiểu sự phụ thuộc vào các cây trồng truyền thống có giá trị thấp ở địa phương.
Gia đình chị Tăng Thị Hạnh là 1 trong 5 hộ tham gia trồng chanh leo theo mô hình liên kết đầu tiên của bản Đội 4, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường. Với 3.000m2 chanh leo trồng từ năm 2019, sau 2 năm thu hoạch, mỗi năm cho gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây trồng mới này mang lại, đến nay gia đình chị đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất vườn đồi dốc và đất ruộng kém hiệu quả sang trồng chanh leo.
Chị Hạnh chia sẻ, trồng 1 lần thấy chanh leo dễ chăm sóc và thu hoạch kéo dài chính là lý do khiến chị thuê đất lúa kém hiệu quả của bà con chuyển đổi sang trồng chanh leo. Từ diện tích ban đầu chỉ có vài nghìn mét vuông đất của gia đình, đến nay gia đình đã có hơn 40ha chanh leo và sự ra đời của HTX đã giúp cho việc liên kết sản xuất của bà con nông dân bền vững hơn.
“Năm nay gia đình đã trồng thêm được hơn 10ha và giờ gia đình đã đăng ký trồng được gần 13ha. Thực tiễn cho thấy cây chanh leo dễ sinh trưởng, chỉ cần bắc giàn 1 lần nhưng thu hoạch được nhiều năm. Khi cây phát triển sẽ cho thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6, có nhà thu đến tháng 12 nên có thể nói là thu hoạch quanh năm”, chị Hạnh cho biết.
Cây chanh leo sẽ cho thu hoạch quả liên tục trong thời gian từ 3 đến 4 năm, với năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha/năm. Nhờ thực hiện hiệu quả việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, sau khi thu hoạch quả, sản phẩm quả chanh leo đã được các công ty đảm bảo thu mua hết cho bà con, trở thành cây trồng chủ lực góp phần vào thành tích này của địa phương.
“DN thực hiện đầy đủ các nội dung liên kết với các tổ hợp tác trong quá trình thực hiện. Từ việc cung ứng hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Từ đầu năm 2024 đến nay, quả chanh leo có giá thành tốt, nên DN có kế hoạch thu mua qua chanh leo với giá thành tốt hơn giá cam kết trong hợp đồng liên kết”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Chanh leo Lai Châu cho biết.
Thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu và Nghị quyết 13 của HĐND huyện, năm 2019 huyện Tam Đường chính thức triển khai trồng thử nghiệm cây chanh leo. Từ diện tích ban đầu 5ha, đến nay tại địa phương đã phát triển lên hơn 400ha, tập trung ở các xã Hồ Thầu, Thèn Sin, Sơn Bình và thị trấn Tam Đường. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chanh leo phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương khi sinh trưởng, phát triển tốt, cho quả to, vỏ dày, cứng và đều màu.
Ông Hoàng Đình Quân, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường cho biết, dù mới đưa vào trồng nhưng cây chanh leo cho thấy rõ hiệu quả về kinh tế khi cho thu nhập ổn định. Theo số liệu rà soát chuẩn nghèo đa chiều của huyện Tam Đường, cuối năm 2021 địa phương còn khoảng 32% hộ nghèo, nhưng đến nay đã giảm xuống hơn 12%.
“Hiện tại giá chanh leo trên địa bàn khá ổn định và diện tích triển khai trồng mới hàng năm đều tăng lên, bà con hưởng ứng đăng ký trồng rất nhiều. Đến nay cây chanh leo đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần tăng thu nhập cho bà con và giảm nghèo ở trên địa bàn huyện”, ông Quân cho hay.
Không chỉ hứa hẹn là cây xóa đói giảm nghèo, chanh leo đã và đang trở thành cây làm giàu cho người nông dân một cách bền vững. Với việc liên doanh, liên kết hiệu quả, cây chanh leo đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao, từ đó giúp người dân có thu nhập và dần làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào các dân tộc ở vùng cao.
Nếu được triển khai và nhân rộng một cách hiệu quả, cây chanh leo sẽ trở thành một trong những động lực quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội cho các bản làng vùng cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững tại Lai Châu.