CEO Việt nào có mức lương cao nhất?
VOV.VN - Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO của Hãng hàng không Vietjet Air là người có mức thù lao cao nhất, lên đến gần 2,7 tỷ đồng/năm.
Theo thông tin từ hãng hàng không Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang nhận mức lương là 2,66 tỷ đồng/năm. Mức lương này của bà Nguyễn Thị Phương Thảo là cao nhất trong số dàn lãnh đạo của hãng hàng không Vietjet Air, cao hơn cả bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị. Bà Hà hiện nhận thù lao 1,27 tỷ đồng/năm. Còn các Phó Tổng giám đốc khác của Vietjet Air nhận mức lương từ 1,4 - 1,7 tỷ đồng/năm.
CEO của Vietjet Air sở hữu mức lương cao ngất |
Trong khi đó, ở khối doanh nghiệp nhà nước, mức lương của lãnh đạo Vinamilk được coi là "khủng" nhất.
Theo công bố của Hội đồng quản trị công ty Vinamilk, mức thù lao năm 2016 của bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị lên tới 3,44 tỷ đồng/năm. Một số thành viên Hội đồng quản trị khác của Vinamilk cũng nhận mức thù lao cao không kém như ông Lê Song Lai nhận 2,35 tỷ đồng/năm; ông Lê Anh Minh nhận 2,33 tỷ đồng/năm...
Điều đáng nói, bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc của Vinamilk lại nhận mức lương khá khiêm tốn so với các thành viên Hội đồng quản trị là 761 triệu đồng/năm.
Một doanh nghiệp nhà nước khác cũng có mức lương đáng chú ý là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco.
Theo đó, tổng quỹ lương thưởng cho 4 thành viên chuyên trách của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty là 6,99 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2016.
Cũng trong năm 2017, Sabeco dự kiến sẽ tăng số lượng các thành viên kiêm nhiệm trong Hội đồng quản trị từ 4 người lên 6 người nên tổng quỹ thù lao cũng tăng mạnh lên 1,86 tỷ đồng, so với mức 783 triệu đồng của năm 2016.
So với mức thù lao bình quân năm 2016 (ở mức trên 195 triệu đồng/người/năm) thù lao bình quân cho 6 thành viên kiêm nhiệm năm 2017 sẽ tăng gần gấp đôi.
Như vậy, tính bình quân, lương thưởng và thù lao của 4 thành viên trên đạt 2,3 tỷ đồng/người/năm, tăng đáng kể so với mức 1,45 tỷ đồng/người/năm của năm 2016.
Trong khi đó, lương lãnh đạo khối ngân hàng lại khá khả quan. Theo tờ trình xem xét mức thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát ngân hàng ACB thì mức thù lao dự kiến lần lượt là 8,5 tỷ đồng và 3,9 tỷ đồng.
Trong năm 2016, mức thù lao của Hội đồng quản trị ngân hàng là 7,1 tỷ đồng, với 10 thành viên bao gồm cả chủ tịch, phó chủ tịch và các thành viên. Trung bình mỗi thành viên Hội đồng quản trị nhận mức thù lao 710 triệu đồng năm 2016.
Trong khi đó, chỉ với 4 thành viên trong ban kiểm soát, mỗi thành viên nhận mức thù lao gần 867 triệu đồng.
Như vậy, nếu kế hoạch chi trả thù lao trong năm 2017 được Đại hội cổ đông thường niêm sắp tới thông qua, mỗi thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng sẽ nhận được 850 triệu đồng thù lao trong năm nay, và mỗi thành viên Ban kiểm soát sẽ nhận được 975 triệu đồng.
Trái ngược với sự hứng khởi của các doanh nghiệp trên, mức thù lao của Chủ tịch Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền trong năm 2016 chỉ là 5 triệu đồng/tháng - mức lương ngang với thu nhập của các cán bộ viên chức nhà nước.
Mức thù lao của các thành viên Hội đồng quản trị công ty này còn "thảm" hơn khi chỉ nhận được 3,5 triệu đồng/tháng. Về thù lao ban kiểm soát, mức chi của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho trưởng ban kiểm soát là 3,5 triệu đồng/tháng và các kiểm soát viên ở mức 2 triệu đồng/tháng.
Sang năm 2017, mức thù lao mà Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền trình cổ đông ở mức 8 triệu đồng/tháng với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và 6 triệu đồng/tháng với các thành viên Hội đồng quản trị./. CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo lọt Top 3 người giàu nhất
CEO Vietjet lọt vào danh sách nữ tỷ phú tự thân thế giới