Chậm cắm mốc ranh giới, hàng loạt vụ lấn chiếm đất rừng trong thời gian dài
VOV.VN - Tại phiên chất vấn, Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa X diễn ra chiều 19/7, các đại biểu nêu ra nhiều vấn đề nóng, đặc biệt là điểm nghẽn trong thủ tục đất đai cản trở thu hút đầu tư vào miền núi, hàng loạt vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra nhiều năm chưa có giải pháp chấn chỉnh.
Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam cho rằng, phát triển kinh tế - xã hội miền núi đảm bảo các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới hiện đặt ra nhiều thách thức. Đối với tiêu chí số 10 và 11 về hộ nghèo theo đa chiều rất khó thực hiện, bởi hiện nay thu nhập bình quân đầu người tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam khoảng 25 triệu đồng mỗi năm. Trong khi đó, chỉ tiêu đến năm 2025, các xã đặc biệt khó khăn phải nâng chỉ tiêu này lên thành 45 triệu đồng và các xã còn lại là 53 triệu đồng… là gần như bất khả thi.
Về các giải pháp mà ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đề cập như: Đầu tư hạ tầng, thu hút doanh nghiệp, liên kết sản xuất, đào tạo nhân lực chất lượng cao... nhiều đại biểu cho rằng chưa đủ để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
Tỉnh Quảng Nam đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp miền núi với 2 mũi nhọn là phát triển dược liệu và trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra điểm nghẽn trong cung ứng giống cây trồng và năng lực sản xuất, cung ứng giống cho trồng rừng gỗ lớn ở Quảng Nam.
Đại biểu Hà Đức Tiến, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, một số nông lâm trường được giao quản lý đất trồng rừng sản xuất nhưng quản lý lỏng lẻo, để người dân lấn chiếm đất.
“Hiện nay có tình trạng tranh chấp đất giữa các lâm trường với người dân, gây khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, vậy giải pháp cho những vấn đề này thế nào?”, đại biểu Hà Đức Tiến nêu vấn đề.
Theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, việc tích tụ, tập trung đất sản xuất quy mô lớn tại miền núi gặp nhiều khó khăn nên cần xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất, phát triển hợp tác xã, tạo mối liên kết nông dân với doanh nghiệp, đồng thời cần có cơ chế đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi.
Ông Phạm Viết Tích nêu rõ, thủ tục đất đai hiện là điểm nghẽn lớn nhất, cản trở việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và lâm nghiệp. Hiện đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giao cho các chủ rừng là các Công ty Nông – Lâm nghiệp và Ban quản lý rừng các huyện, xã nhưng vẫn chưa thể tiến hành cắm mốc, tạo ra một khoảng trống trong công tác quản lý dẫn đến việc lấn chiếm đất rừng kéo dài.
“Xảy ra thường xuyên, rất nóng và bức xúc. Công an đã vào cuộc điều tra nhiều vụ án và Tòa án đã có bản án nhưng vẫn không thi hành được. Vô cùng khó khi giải quyết những vụ lấn chiếm đất rừng. Chúng tôi đang chỉ đạo xốc lại toàn bộ ranh giới rừng, sắp tới sẽ cắm mốc ranh giới rừng. Đề án cắm mốc đã xây dựng từ năm 2019 nhưng do ảnh hương bởi dịch Covid-19 khiến nguồn kinh phí cho cắm mốc ranh giới gặp nhiều khó khăn”, ông Phạm Viết Tích thông tin./.