Chậm mua tạm trữ lúa gạo, nông dân kiệt quệ sau mỗi mùa vụ
(VOV)-Thực tế, nếu tính việc triển khai mua tạm trữ chậm, cứ 1 kg lúa nông dân mất 500 đồng, 1 tấn lúa mất 500.000 đồng…
Nông dân một số địa phương khu vực ĐBSCL đã vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu. Trong khi đó, chính sách tạm trữ lúa gạo vụ này vẫn với mốc thời gian là 15/6. Chính vì vậy, đối với một số địa phương như Đồng Tháp, Vĩnh Long... có diện tích lúa thu hoạch trước thời điểm này xem như đối mặt với thua lỗ bởi giá lúa xuống quá thấp.
Một vụ sản xuất nữa người dân ĐBSCL phải đối mặt với khó khăn khi giá lúa giảm thê thảm; đồng thời với áp lực chi trả chi phí đầu vào buộc người dân phải bấm bụng bán lúa tươi tại ruộng với giá thấp. Tại Đồng Tháp, sản lượng lúa vụ hè thu này ước đạt gần 1,2 triệu tấn.
Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được trên 110.000 ha, tương đương hơn 60% tổng diện tích. Hiện giá lúa tươi đã sụt giảm 600 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, nhưng những người thu hoạch lúa sớm đành chịu lỗ, bán dưới giá thành để chi trả chi phí sản xuất.
Ngay từ đầu vụ, với diễn biến giá lúa xuống thấp, người nông dân đã trông chờ chính sách thu mua tạm trữ của Chính phủ để giá lúa nhích lên. Tuy nhiên, theo quy định, đến ngày 15/6 mới mua tạm trữ. Do vậy, dù giá rẻ nhưng nếu không bán lúa ướt thì không có nơi tồn trữ, phơi sấy. Mặt khác, chưa biết đến khi tạm trữ, giá lúa sẽ lên được bao nhiêu trong khi chi phí phân thuốc đến vụ phải trả nên hầu như nông dân đều bán tại ruộng.
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Bây giờ thu hoạch lúa đã tới 60%, đề nghị VFA xem xét cho hợp lý về thời điểm, sản lượng và giá sàn thu mua. Tôi đã hỏi các sở, ngành trong tỉnh mà cũng không biết VFA phân bổ bao nhiêu”.
Việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chậm triển khai mua tạm trữ như vụ đông xuân vừa rồi, một lần nữa hơn 60% nông dân trong tỉnh Đồng Tháp và một số địa phương có diện tích thu hoạch cao lại không được hưởng chính sách này.
Hiện tại, VFA vẫn chưa phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, địa phương mong muốn VFA phối hợp với tỉnh, lựa chọn, phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp mà tỉnh thấy có đủ năng lực thật sự và ưu tiên cho các doanh nghiệp này xuất khẩu theo các hợp đồng tập trung chứ không làm theo kiểu “truyền thống”, tức là nhiệm vụ tạm trữ giao cho doanh nghiệp này nhưng xuất khẩu lại giao cho doanh nghiệp khác”.
Ông Phan Kim Sa, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cho rằng: “Không ai hiểu các doanh nghiệp trên địa bàn bằng địa phương. Địa phương biết doanh nghiệp mạnh yếu ra sao. Còn phương án giao về cho địa phương thực hiện thì chúng tôi có thể thực hiện được”.
Trong thời gian tới, ĐBSCL cần tiêu thụ khoảng 6,5 triệu tấn gạo. Nếu theo kế hoạch xuất khẩu bình quân 600 – 700 ngàn tấn/tháng, vẫn cần nâng mức tạm trữ vụ hè thu lên khoảng 1,5 triệu tấn quy gạo mới có thể tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân.
Bên cạnh đó, đến thời điểm này phương án VFA tiếp tục giữ vai trò đầu mối trong điều hành thu mua tạm trữ lúa vẫn tiếp tục thực hiện trong vụ hè thu.
Tuy nhiên, nhiều địa phương trong vùng cho rằng VFA phải công khai minh bạch các thông tin về điểm thu mua, giá cả và gắn kết chặt chẽ với địa phương nhằm đảm bảo lợi nhuận chính đáng cho người trồng lúa.
Vấn đề thu mua tạm trữ lúa gạo thật sự vẫn còn nhiều điều để tranh luận giữa các địa phương vùng ĐBSCL và Hiệp hội lương thực Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu tính việc triển khai mua tạm trữ chậm mà điển hình như ở Đồng Tháp thì cứ 1 kg lúa nông dân mất 500 đồng, 1 tấn lúa mất 500.000 đồng.
Còn nếu trên 60% trong tổng số trên 190 ngàn ha vụ hè thu thì con số sẽ nhân lên gấp bội.
Chính vì vậy, nếu không sớm thống nhất quy chế tạm trữ mới, thì nông dân lại chính là người tiếp tục bị thiệt hại sau mỗi mùa vụ./.