Chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho vật nuôi vụ xuân, hè
VOV.VN -Đây là thời điểm thời tiết nồm ẩm khiến các loại vật nuôi dễ nhiễm bệnh. Người chăn nuôi cần nắm vững các kiến thức để phòng bệnh cho vật nuôi.
Hiện nay, ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta, tiết trời mùa xuân, chuẩn bị bước sang hè, thời tiết ấm dần lên, mưa phùn kéo dài, độ ẩm rất cao đã ảnh hưởng đến sức khỏe của các đàn vật nuôi.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 về tập trung giảm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản trong năm 2015, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các việc sau:
* Kiểm tra, nâng cấp chuồng trại chăn nuôi
Chuồng nuôi phải xây dựng ở nơi cao ráo, dễ thoát nước, thông thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông đối với chuồng nuôi hở. Tường và nền chuồng nên phẳng, làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, sát trùng. Khu vực chăn nuôi phải tách riêng với các khu vực khác như kho thức ăn, kho đựng dụng cụ, vật tư chăn nuôi...
Có hàng rào hoặc tường bao chắn xung quanh khu vực chăn nuôi cũng như có cổng ra vào, hố sát trùng trước chuồng nuôi.
* Công tác chuẩn bị chăn nuôi
Chuẩn bị chuồng nuôi phù hợp với đối tượng vật nuôi: loại, giống, lứa tuổi, số lượng...
Trước khi nuôi phải vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi, phun thuốc sát trùng, quét vôi. Phải có thời gian trống chuồng ít nhất là 2 tuần (nuôi thịt), 4 tuần (nuôi sinh sản), sau khi đã dọn rửa phun khử trùng và quét vôi mới đưa vật nuôi vào nuôi.
Các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống… phải được rửa sạch, phun thuốc sát trùng và phơi nắng cho khô.
Vệ sinh cỏ, rác, khơi thông cống rãnh và rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi.
* Vệ sinh thú y trong quá trình chăn nuôi
Đảm bảo vệ sinh thức ăn, nước uống.
Vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh: Chuồng nuôi luôn đảm bảo sạch sẽ, khô ráo; Định kỳ phun thuốc sát trùng trong và xung quanh chuồng nuôi; Thu gom phân, rác để xử lý đúng kỹ thuật.
* Kiểm tra sức khoẻ vật nuôi
Kiểm tra vật nuôi vào đầu giờ sáng hàng ngày, quan sát dáng đi, đứng, tiếng kêu, mắt, mũi, trạng thái phân. Kiểm tra tình trạng ăn uống của vật nuôi. Cách ly kịp thời những con có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết
Đảm bảo kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng như: mật độ; ánh sáng trong, ngoài chuồng nuôi; chế độ cho ăn, uống…
Thực hiện nghiêm túc lịch phòng vắc-xin cho vật nuôi.
Phải có sổ ghi chép đầy đủ, chính xác về tình trạng sức khỏe, các loại thuốc và vắc-xin sử dụng, thời gian, ngày, giờ cho uống hoặc tiêm vắc-xin.
* Xử lý vật nuôi ốm, chết
Sớm cách ly vật nuôi ốm, chết ra khỏi đàn, không được bán hoặc phát tán.
Phải có khu mổ khám và đốt hoặc chôn xác vật nuôi. Khi chôn phải chôn sâu, rắc vôi bột. Thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực này.
Không được sử dụng lại thức ăn thừa của những vật nuôi bị bệnh cho vật nuôi khác.
Trong quá trình thực hiện công việc, người chăn nuôi đặc biệt chú ý mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, đi ủng, đeo kính bảo hộ, đội mũ, đi găng tay, sau khi thực hiện công việc xong phải tắm rửa và sát trùng tay, chân, quần áo và các vật dụng có liên quan cẩn thận.
* Vận chuyển, giết mổ vật nuôi
Hiện nay chỉ những vật nuôi có đủ các điều kiện sau mới được vận chuyển, giết mổ:
+ Những vật nuôi khoẻ mạnh và có nguồn gốc rõ ràng;
+ Có sự kiểm dịch của cơ quan thú y.
Vận chuyển vật nuôi phải dùng xe chuyên dụng, không phát tán chất thải vật nuôi trong quá trình vận chuyển.
Giết mổ ở nơi quy định và phải có nơi xử lý chất thải, vệ sinh và phun sát trùng nơi giết mổ ngay sau khi giết mổ.
* Đặc biệt quan tâm đến những nơi đã từng xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi và nơi có nguy cơ cao như khu vực gần chợ, gần khu giết mổ, khu tập trung, xử lý rác thải.../.