Chàng kỹ sư bỏ phố về quê làm trang trại cho doanh thu hàng tỷ đồng
VOV.VN - Từ bỏ công việc lương gần 20 triệu, chàng kỹ sư Nguyễn Hữu Giáp ở Quảng Trị quyết tâm làm giàu từ trang trại ở vùng quê miền biển nắng cháy.
Mặc dù có công việc ổn định với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chàng thanh niên Nguyễn Hữu Giáp, sinh năm 1988 ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vẫn quyết định bỏ dở sự nghiệp của một kỹ sư để về với vùng quê miền biển nắng cháy, mở trang trại chăn nuôi rộng lớn với doanh thu hàng tỷ đồng và tạo việc làm cho nhiều thanh niên tại địa phương.
(Ảnh minh họa: KT) |
Mặc dù là con một trong gia đình có bố mẹ là công chức nhà nước, nhưng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh Nguyễn Hữu Giáp đã ấp ủ những kế hoạch riêng để phát triển quê hương.
Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, với ước mơ trở thành kỹ sư thiết kế những công trình lớn, anh đã thi và trúng tuyển vào Khoa Kiến trúc - trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ra trường, mặc dù đã xin được việc làm ổn định tại TP HCM, nhưng ngay từ những năm tháng học đại học và làm việc, là một người năng nổ, tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, anh nhận thấy thực phẩm bẩn đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội nên nảy ra ý định làm nông trại cung cấp thực phẩm sạch.
Anh Nguyễn Hữu Giáp tâm sự, ý định là một chuyện, thực hiện nó lại là một chuyện khác. Những ngày đầu về quê anh gặp rất nhiều khó khăn bởi khí hậu vùng biển nơi anh sinh sống không phù hợp cho chăn nuôi, đất đai lại bị hoang hóa không thể trồng bất cứ loại cây nào. Song những khó khăn đó không ngăn cản được ý chí của anh.
Được sự tư vấn của huyện đoàn Vĩnh Linh cùng sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, anh nảy ra ý định làm liên kết với một số hộ nông dân theo mô hình hợp tác xã. Cùng với đó, qua tìm hiểu, anh được biết giống lợn rừng đang rất chuộng trên thị trường vì chất lượng thịt tốt, độ dinh dưỡng lớn, giá thành khi bán ra lại rất cao nên anh quyết định nhập giống lợn này về nuôi.
Lần đầu, anh nhờ cha mẹ vay vốn rồi đầu tư gần 200 triệu đồng mua 45 con lợn rừng gốc từ Đăk Lăk về nuôi, nhưng vì bệnh tật và khí hậu không phù hợp nên đàn lợn của anh chết hàng loạt. Không dừng lại ở thất bại đó, khắc phục những khó khăn, anh tham khảo những trang trại khác, sách báo và các phương tiện thông tin để cải thiện tình hình, sau gần nửa năm kiên trì, cuối cùng đàn lợn của anh đã thuần giống, thích nghi được với điều kiện khí hậu khô hạn nơi anh ở.
Anh Nguyễn Hữu Giáp chia sẻ:"Sau khi tốt nghiệp đại học mình trở về quê hương, được sự giúp đỡ ban ngành đoàn thể, nhất là của huyện đoàn hướng dẫn cho hướng đi, nhất là hướng đi về phát triển kinh tế sau sự cố môi trường biển. Trong quá trình hình thành trang trại tôi cũng có nuôi nhiều con, trồng nhiều cây. Qua quá trình phát triển tôi thấy mang lại nhiều hiệu quả, nhất là phù hợp với mô hình vùng biển quê tôi".
Vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp đà phát triển, cùng với dê, lợn, với mong muốn phát triển mô hình trang trại với nhiều giống nuôi mới, nên năm 2016 anh Giáp nhập thêm 2000 con kỳ nhông, 200 con ngan, ngỗng về nuôi. Đến nay trang trại của anh Giáp có trên 4 ha, trong đó, diện tích nuôi lợn là 2 ha, dê 1 ha, còn lại là nuôi gia cầm và trồng cây ăn quả.
Đây cũng là mô hình chuyển đổi sinh kế đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị, sau sự cố môi trường biển. Sau khi mở trang trại đã có nhiều thanh niên cũng như một số cá nhân, tập thể đến thăm quan, học hỏi.
Hiện tại, mô hình trang trại tổng hợp của anh Giáp cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Nói về dự định trong tương lai, anh Giáp cho biết: anh mong muốn thành lập một hợp tác xã nông – ngư nghiệp mang tên Giáp Vĩnh Thái cùng với những người khác đi tìm các thị trường tiêu thụ, đồng thời tạo ra một nguồn cung cấp thực phẩm sạch, phong phú, dồi dào, đem lại một sự ổn định cho những người tham gia hợp tác xã.
Bên cạnh đó, anh cũng ước muốn làm một khu du lịch sinh thái, mở các quán ăn nhà hàng, trồng dừa xiêm lùn, nuôi thả nhiều giống vật lạ với quy mô lớn hơn để thu hút khách du lịch đến với vùng biển quê anh, giải quyết việc làm cho thanh niên tại địa phương.
Đánh giá về mô hình phát triển kinh tế của anh Nguyễn Hữu Giáp, ông Ngô Thế Thanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh cho biết: "Hộ anh Giáp là một đoàn viên thanh niên đang trẻ nhưng anh cũng có tính táo bạo dám nghĩ, dám làm. Trong lĩnh vực của anh, đã kết hợp mô hình chăn nuôi tổng hợp. Được sự hỗ trợ của phòng Nông nghiệp và đoàn thanh niên của huyện anh nuôi vịt biển rất thành công.
Năm 2017 giá lợn hơi xuống thấp, nhưng anh vẫn giữ được giá cả ổn định vì vật nuôi của anh có giá trị cao. Hiện nay anh đang nghiên cứu những loại vật nuôi khác để trang trại ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả cao, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương".
Không chỉ là một thanh niên sáng tạo, có ý chí, anh Nguyễn Hữu Giáp còn là một người năng nổ trong các công tác xã hội. Hiện anh đang làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Vĩnh Thái kiêm Bí thư Chi đoàn thôn Tân Mạnh, xã Vĩnh Thái.
Năm 2017 anh được vinh danh là công dân tiêu biểu xã Vĩnh Linh, nhận giấy khen của chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động góp phần xây dựng quê hương. Đặc biệt, với những thành tích của mình, vừa qua, anh là 1 trong 86 gương thanh niên làm kinh tế giỏi được trao giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng./. Cựu chiến binh làm giàu từ nghề trồng hoa
Chàng trai dân tộc Mông làm giàu từ mô hình gia trại