Chè La Bằng "theo chân" du khách mọi miền đất nước, mong ngày được ra thế giới
VOV.VN - Nằm bên chân núi Tam Đảo nổi tiếng, cách Hà Nội khoảng 100 km, chỉ hơn một giờ xe chạy chúng ta sẽ được đến thăm vùng đất La Bằng, vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nơi nổi tiếng với thương hiệu chè sạch La Bằng.
Sau phút tranh thủ chợp mắt trên xe, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến La Bằng là không khí hết sức trong lành, hương chè quyện trong không khí mang lại cảm giác sảng khoái, thư thái. Đến La Bằng (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào những ngày này, sẽ cảm nhận rõ nhịp sống nơi đây như sôi động hơn, khẩn trương hơn, bởi nhà nhà, người người đang hối hả chuẩn bị trà phục vụ thị trường Tết. Trên những nương chè xanh ngát bên sườn núi, những chàng trai, cô gái đang thoăn thoắt hái từng búp chè xanh non, khắp các ngả đường, xóm ngõ nơi đâu cũng thoang thoảng mùi thơm của trà lên hương.
Bên chén chè xanh sóng sánh, anh Hứa Văn Thịnh – người dân tộc Nùng, chủ của một cơ sở sản xuất chè vẫn tranh thủ chia sẻ với chúng tôi, chè La Bằng là chè sạch, được nuôi dưỡng từ những dòng suối mát chảy theo mạch ngầm từ dãy núi Tam Đảo, quá trình chăm bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ và được giám soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Vietgap. Khâu chế biến quan trọng nhất là yếu tố nhiệt độ và kinh nghiệm của người làm chè sẽ quyết định đến chất lượng sản phẩm chè cuối cùng. Hương vị độc đáo của La Bằng cũng rất phong phú và đa dạng, có loại nước xanh trong sáng, có loại xanh trong viền vàng, mỗi loại có hương vị khác nhau tuỳ thuộc vào sở thích của người thưởng thức.
Anh Thịnh cũng cho biết, doanh nghiệp của anh ký hợp đồng thu mua chè nguyên liệu từ hộ trồng chè, sau đó tiến hành chế biến, đóng gói và xuất đi các nơi. Năm nay, mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cơ sở của anh vẫn đạt doanh thu gần 10 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. Mạng lưới khách hàng của anh hiện đã có ở khắp Việt Nam. Địa bàn trải rộng từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, tới Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ và nhiều tỉnh khác trong cả nước.
Ông Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng cho biết, xã La Bằng hiện có 3 hợp tác xã chè, 10 làng nghề và 5 tổ hợp tác, gần 100% người dân trong xã có thu nhập từ nghề trồng chè. Với gần 400 ha chè, sản lượng chè trung bình hàng năm của La Bằng đạt gần 2.500 tấn búp tươi từ đó cho gần 500 tấn chè khô các loại. Cùng với sự khẳng định và phát triển thương hiệu của chè La Bằng, thu nhập của người dân cũng tăng theo từng năm, đến nay người trồng chè đã có thu nhập bình quân khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng. Con em La Bằng được đi học đầy đủ, nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học đã trở về xây dựng, phát triển quê hương. Được thiên nhiên ưu đãi cùng với tâm huyết của trồng chè đến nay thương hiệu “chè La Bằng” đã được khẳng định, lan tỏa khắp cả nước và đang tiến ra thị trường quốc tế. Chè La Bằng đã được trao giải vàng tại liên hoan chè Bắc Mỹ và được chọn là một trong những quà tặng tiêu biểu dành tặng khách quốc tế trong hội nghị APEC 25 tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào năm 2017. Trước đó, La Bằng đã vinh dự trở thành một điểm đến trong tua du lịch tại “Liên hoan Trà Quốc tế” tổ chức tại Thái Nguyên năm 2011.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thép, thổ nhưỡng, khí hậu, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu giống chè và biện pháp hướng dẫn người dân chăm sóc cây chè theo đúng quy trình tiêu chuẩn là những điều làm nên thương hiệu chè La Bằng. Dòng nước mát thuần khiết chắt lọc từ dãy núi Tam Ðảo chảy qua các nương chè không nhưng mang lại hương thơm, vị đượm ngọt cho chè La Bằng mà còn ưu ái dành cho vùng đất này những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.
Điều khiến ông Thép cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở là làm thế nào để phát huy tối đa tiềm năng của vùng đất La Bằng, làm sao để La Bằng phát triển thêm du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng để từ đó những gói chè La Bằng có thể theo chân du khách đi đến mọi miền gần xa. Để làm được điều đó thì chỉ quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân thì chưa đủ, rất cần sự chung tay của Nhà nước, đặc biệt là đầu tư từ các doanh nghiệp, các hãng lữ hành.
Ông Nguyễn Ngọc Thép cũng cho biết, đã có một số hãng lữ hành, công ty du lịch về trao đổi, bàn bạc hợp tác với địa phương phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các dự án chưa triển khai được. Hy vọng, với những bước đi này thương hiệu chè La Bằng cũng như đời sống của người trồng chè sẽ đổi thay./.