Chỉ 53% nông dân hài lòng với cuộc sống hiện tại
VOV.VN -Trong nhóm tiêu dùng nghèo nhất, tỷ lệ này chiếm tới 65%, trong khi nhóm giàu nhất chỉ có 33%.
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam - kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh”. Theo đó, cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình (VARHS) bao gồm các cuộc phỏng vấn hơn 3.700 hộ gia đình trong tháng 6 và 7/2012.
Có sổ đỏ mới yên tâm đầu tư trên đất
Kết quả vòng điều tra cho thấy sự phát triển kinh tế đang làm thay đổi cách thức sử dụng đất và giá trị của đối với các hộ làm nông nghiệp. Trong khi thị trường đất đai vẫn tương đối kém phát triển, và việc cấp phát số đỏ chưa hoàn thiện, nhiều hộ nông dân không thể tự do lựa chọn cây trồng trên mảnh đất của mình.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, rất ít người di cư làm chủ đất nơi họ sống và rất nhiều hộ gia đình cho rằng không tiếp cận được nguồn đất.
Ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban chính sách phát triển nông thôn, CIEM đang trả lời phỏng vấn báo chí |
Ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban chính sách phát triển nông thôn, CIEM cho rằng: Việt Nam có 33,1 triệu ha đất nông nghiệp và là một trong những nước có bình quân đất đai đầu người thấp nhất thế giới, khoảng 0,38 ha, trong khi đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người xấp xỉ 0,3ha. Sử dụng đất tại Việt Nam ngày càng hiệu quả và mang lại lợi ích kinh tế cao hơn. Điều này quan trọng với an ninh lương thực, phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Ông Lưu Đức khải cũng khẳng định, thị trường đất đai phía Nam phát triển mạnh và sôi động hơn phía Bắc. Việc phân bổ đất đai ở phía Nam lại bất bình đẳng hơn so với ở phía Bắc. Thị trường đất đai tại khu vực Tây Bắc còn rất manh nha, tỷ lệ mảnh đất được cấp sổ đỏ thấp nhất trong các tỉnh điều tra, có chênh lệch rất lớn về đầu tư vào mảnh đất có và không có sổ đỏ thuộc nhóm hộ nghèo. Điều này cũng nhất quán với nhận định về việc có sổ đỏ là rất quan trọng để người dân yên tâm đầu tư.
Ngoài ra, cũng có khác biệt đáng kể giữa nhóm giới tính chủ hộ. Nhóm chủ hộ nữ có tỷ lệ không đất cao hơn, ít đất hơn nhưng lại có sổ đỏ nhiều hơn. Hộ nữ cũng đầu tư ít hơn vào mảnh đất trong khi hộ nam làm chủ hộ tham gia tích cực hơn vào thị trường đất đai.
Điều quan trọng trong báo cáo này là vẫn tồn tại sự khác biệt lớn trong phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội giữa các tỉnh, thành. Các hộ gia đình ở vùng cao, đặc biệt ở vùng Tây Bắc, nghèo hơn và ít có cơ hội tiếp cận với những hàng hóa thiết yếu như nước uống an toàn và nhà ở chất lượng. Họ cũng ít tham gia thị trường về đất đai, lao động và đầu tư vào nông nghiệp. Tại Điện Biên và Lai Châu, cả thị trường mua bán và cho thuê đất đều không tồn tại.
“Tôi cho rằng các nhà lập pháp Việt Nam đã làm rất tốt, tuy nhiên tôi nghĩ họ nên suy nghĩ về đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng. Tôi thấy ở một số tỉnh cơ sở hạ tầng chưa được tốt. Chính phủ và người nông dân Việt Nam nên tập trung vào những việc đang làm tốt vẫn có nhu cầu như thu mua gạo, hạt tiêu, hạt điều… và sản phẩm nông nghiệp khác mà Việt Nam cung cấp. Nông nghiệp vẫn đóng một vai trò quan trọng của đất nước”, GS. Finn Tarp - nhóm nghiên cứu báo cáo đến từ Trường Đại học Copenhagen – Đan Mạch nói.
Thu nhập tiền lương đóng góp không đáng kể
Theo GS. Finn Tarp, có sự khác biệt lớn về thu nhập hàng năm của các hộ gia đình giữa các tỉnh được khảo sát… Thu nhập trung bình của các hộ gia đình có ít nhất một thành viên làm công ăn lương cao hơn các hộ không có thành viên nào tham gia vào hoạt động này.
Toàn cảnh ội thảo công bố báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam |
Giá trị trung bình và trung vị của thu nhập ròng thực tế của các hộ gia đình có ít nhất một người làm công ăn lương tương ứng là 62.671 ngàn đồng và 84.831 ngàn đồng, trong khi đó, các giá trị tương ứng của các hộ không có thành viên nào tham gia vào hoạt động này là 48.618 ngàn đồng và 84.390 ngàn đồng. “Lao động làm công ăn lương có vẻ như chỉ góp một phần nhỏ vào tổng thu nhập của hộ gia đình nông thôn” – ông Finn Tarp nói.
GS. Finn Tarp cũng đưa ra một phân tích khá rõ là ở các hộ có lao động làm công ăn lương thường là những hộ có chủ hộ nam giới, trình độ học vấn thấp nhất là tốt nghiệp THCS và là người Kinh. Tương tự, hơn 80% hộ gia đình có lao động làm công ăn lương thuộc các hộ không nghèo (theo số liệu của Bộ LĐTB&XH).
Tại một số khu vực, tiền lương thu được từ làm công ăn lương chiếm tỷ lệ đáng kể trong thu nhập chung của hộ. Các hộ gia đình nông thôn gần khu đô thị ở Hà Nội và TP HCM, các tỉnh Hà Tây (cũ) và Long An kiếm được nhiều nhất từ công việc làm công ăn lương. Ngược lại, trung bình hộ gia đình ở Đắk Lắk và Đắk Nông có thu nhập lớn hơn rất nhiều từ sản xuất nông nghiệp, một phần là do giá cả hàng hóa tăng cao đặc biệt là cà phê được sản xuất tại những khu vực này.
Ở nông thôn Việt Nam, người có trình độ học vấn tốt có nhiều cơ hội tìm được một việc làm được trả lương. Các hộ gia đình có chủ hộ có trình độ học vấn tốt có thu nhập từ làm công ăn lương cao hơn nhiều so với các hộ khác. Có một điều là người làm việc tại khu vực quốc doanh của Chính phủ có vẻ như mang lại khoản tiền lương thỏa đáng và công việc tại đây lại được đảm bảo nhất./.