Chi phí công nghệ năng lượng tái tạo đang giảm - thời cơ cho Việt Nam
VOV.VN - Việt Nam đang hướng tới phát triển năng lượng bền vững trong bối cảnh chi phí của công nghệ năng lượng tái tạo đang giảm.
Chiều 21/6, Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị cấp cao nhân dịp lễ ra mắt Nhóm đối tác Năng lượng Việt Nam.
EU cam kết hỗ trợ Việt Nam trong phát triển năng lượng xanh (Ảnh: VGP) |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc thành lập Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) sẽ tạo ra cơ chế hợp tác sâu rộng, đẩy mạnh thu hút nguồn lực, tăng cường hiệu quả trong việc tham vấn về chính sách. Điều này góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững.
Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, trong bối cảnh chi phí công nghệ năng lượng tái tạo đang giảm, việc chuyển đổi năng lượng sang một nền kinh tế xanh hơn sẽ đóng góp vào chống biến đổi khí hậu bằng việc giảm nồng độ khí phát thải nhà kính tới mức an toàn. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt là sử dụng năng lượng tái tạo sẽ nâng cao chất lượng không khí cho người dân, giảm rủi ro địa chính trị bằng việc hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như tạo ra phát triển xanh.
Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, phát triển năng lượng bền vững là mục tiêu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam và EU cam kết mạnh mẽ sẽ cố gắng hết sức để giúp Việt Nam giải quyết thách thức này.
"Công việc này đòi hỏi một phương án toàn diện có tính đến những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đạt được nền kinh tế xanh hơn thông qua năng lượng bền vững là rất tốt đối với Việt Nam và vì vậy tốt với tất cả chúng ta", Đại sứ Bruno Angelet lưu ý.
Ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết: Nhu cầu năng lượng vẫn duy trì tăng ở mức tương đối cao trong giai đoạn 2015-2035 để đáp ứng tăng trưởng kinh tế.
Do đó, ông Cường cho rằng, cần thúc đẩy các chương trình tiết kiệm năng lượng để cắt giảm nhu cầu năng lượng. Mức tiết kiệm năng lượng có thể đạt trên 15% so với kịch bản cơ sở. Cần đẩy mạnh phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ than nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bên cạnh đó, theo ông Cường, cần phải hình thành và phát triển hệ thống điện thông minh, có khả năng tích hợp với nguồn năng lượng tái tạo có tỷ lệ cao.
Cũng trong chiều 21/6, Liên minh châu Âu cùng với Đức, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ireland, Italia, Luxembourg, Slovakia, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Chính phủ Việt Nam đã ký một Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững.
Việt Nam đang tích cực phát triển năng lượng tái tạo (Ảnh minh họa: KT)
Tuyên bố chung này nhằm tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của EU trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, EU sẽ hỗ trợ các cam kết của Việt Nam trong việc cung cấp một cách hiệu quả năng lượng có chất lượng cao dành cho phát triển xã hội, đa dạng hóa trong đầu tư và mô hình kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, phát triển một thị trường năng lượng cạnh tranh và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả.
EU cũng sẽ giúp đỡ Việt Nam trong việc xác định và giới thiệu các dự án năng lượng tiềm năng có thể được tài trợ với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, nhằm cải thiện sự cung cấp và tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ năng lượng hiện đại và các-bon thấp cùng nhiều hỗ trợ khác.../. Chưa có nhiều ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo