Chi phí thức ăn tăng cao gây khó khăn cho hộ chăn nuôi
VOV.VN - Chi phí tăng cao cộng thêm thiếu vốn sản xuất khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ nguồn lực để tham gia vào chuỗi liên kết.
Chăn nuôi nông hộ là mắt xích quan trọng trong cấu trúc ngành chăn nuôi khi cung cấp 2/3 số lượng thực phẩm ra thị trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy, ngoài việc phụ thuộc nhập khẩu con giống, chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh…khó khăn lớn nhất hiện nay của chăn nuôi nông hộ là chi phí thức ăn tăng cao và thiếu vốn sản xuất.
Ông Lương Hồng Đoán, nông dân xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết, với gần 20 năm gắn bó với nghề nhưng chi phí thức ăn chăn nuôi luôn là thách thức lớn nhất trong “bài toán lợi nhuận” của các nông hộ. Chi phí tăng cao cộng thêm thiếu vốn sản xuất khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ nguồn lực để tham gia vào chuỗi liên kết dọc giữa cung ứng vật tư, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ và dần bị loại ra khỏi chuỗi giá trị ngành chăn nuôi.
“Để đảm bảo lợi ích của chăn nuôi nông hộ cần có chính sách liên kết họ lại với nhau thành nhóm, tổ hợp tác hay hợp tác xã để đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi. Từ đó người chăn nuôi thấy lợi ích được đảm bảo thì mới yên tâm sản xuất đảm bảo thực phẩm cung ứng ra thị trường”, ông Đoán nói.
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng gây nhiều khó khăn cho hộ chăn nuôi. Chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm khoảng 2/3 tổng giá trị thị trường chăn nuôi, riêng năm 2013 là 7,6 tỷ USD.
Người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn về vốn và chi phí đầu vào.
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có gần 12 triệu nông hộ tham gia chăn nuôi, trong đó 7,5 triệu hộ chăn nuôi gia cầm và hơn 4 triệu hộ chăn nuôi lợn. Đây là lĩnh vực giải quyết sinh kế cho hàng triệu lao động.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trong cấu trúc ngành chăn nuôi nói riêng và cấu trúc toàn ngành nông nghiệp nói chung, người nông dân luôn bị yếu thế, khi lợi nhuận thu được tỷ lệ nghịch với sản phẩm làm ra trong chuỗi giá trị. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của chăn nuôi nông hộ cần có các giải pháp đồng bộ thông qua các cơ chế, chính sách giúp minh bạch hóa thị trường chăn nuôi…
Ông Đào Thế Anh, Phó chủ tịch Hội khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam nêu ý kiến: “Chúng ta đang thiếu 1 hệ thống thông tin minh bạch để có thể áp dụng các công cụ quản lý cạnh tranh lành mạnh. Hiện nay đã có thông tin về doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thông tin về khuyến nông cho người chăn nuôi là rất cần thiết nhưng những thông tin khác về doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra còn bị bỏ ngỏ dẫn đến độc quyền trên thị trường”.
Tháo gỡ những khó khăn về vốn và chi phí đầu vào đối với chăn nuôi nông hộ đang là giải pháp được Bộ NN&PTNT hướng đến trong triển khai “Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi”.
Để đạt mục tiêu nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên 20% vào năm 2020, ngành nông nghiệp đưa ra các giải pháp như quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng, nâng cao chất lượng con giống, thay đổi phương thức sản xuất và hình thành chuỗi giá trị ngành hàng. Trong đó nhấn mạnh đến việc chuyển đổi chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng nâng cao thu nhập của nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững./.