“Chiếc đũa thần” nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp
VOV.VN - “Luồng gió” khoa học công nghệ mới chính là yếu tố then chốt để giúp nông nghiệp khẳng định giá trị của mình.
Mặt hàng gạo trên thị trường giờ đây đã có thêm loại gạo mầm với tên nhãn hiệu Vibigaba. Đây là sản phẩm mới của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang với giá bán 70.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với loại gạo trắng nguyên liệu.
Về mặt khoa học, có thể nói, đây một bước tiến quan trọng của ngành lúa gạo trong nước khi lần đầu tiên nghiên cứu và sản xuất thành công một sản phẩm gạo thuần Việt có hiệu quả cao trong việc phòng và hỗ trợ điều trị các chứng bệnh nguy hiểm như tiểu đường, cao huyết áp một cách hiệu quả.
Tại vùng nguyên liệu lúa gạo Vĩnh Bình, tỉnh An Giang, gạo Vibigaba được sản xuất theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, truy xuất được nguồn gốc. Vibigaba có nguồn gốc từ giống lúa thơm hạt dài đặc chủng BN1, AGPPS 103 do đơn vị này sản xuất.
Gạo Vibigaba có thương hiệu, giá trị nâng lên gấp nhiều lần. |
Sau khi xay xát, gạo lức được lên men trong điều kiện thích hợp để các enzyme trong hạt gạo được kích hoạt, tạo nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt trong số đó chính là hoạt chất Gaba hàm lượng cao (150ppm – 200ppm). Đây là điều đặc biệt, không phải nơi nào cũng trồng lúa và hạt gạo có được hàm lượng như vậy.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, đơn vị vẫn đang nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm chất lượng và giá trị cao hơn.
“Trung tâm sẽ áp dụng quy trình công nghệ mới, phun hơi nước trong điều kiện kiểm soát nhiệt độ. Trong điều kiện đó, chúng tôi cũng cho mầm sinh trưởng, phát triển, tạo Gaba nhưng phôi nhũ bên trong vẫn khô, từ đó có thể chế ra nhiều loại hạt gạo mầm khác nhau với chế độ dinh dưỡng cao hơn”, PGS.TS. Dương Văn Chín chia sẻ.
Có thể nói, ở khu vực ĐBSCL, ngoài Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang, việc tìm kiếm được những doanh nghiệp có cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ rất hiếm hoi. Trong khi đó, ĐBSCL được biết đến là vựa lúa quốc gia; đồng thời thủy sản, trái cây là một trong 3 mũi nhọn chủ lực mà thế giới biết đến.
Thế nhưng, những năm qua tiềm năng này của khu vực vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả. Bởi, “điểm nghẽn” lớn nhất là khâu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Chính vì vậy, để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thu nhập khá hơn cho người nông dân, Khoa học - công nghệ chính là một sự mong mỏi của các đơn vị sản xuất và cả những nông dân đang ngày ngày trực tiếp với đồng ruộng.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đề nghị: Cần phải có những chính sách cụ thể và quyết liệt hơn từ phía nhà nước, đó chính là tạo điều kiện để khoa học công nghệ tham gia vào giải quyết ở hai mức độ: Chế biến sản phẩm, nâng cao công nghiệp chế biến cùng với những phương thức vận tải tốt hơn.
Đến năm 2020, việc phát triển nền kinh tế Việt Nam vẫn phải dựa vào vai trò của nông nghiệp. Trong khi trên thực tế hiện nay, khoa học công nghệ chỉ đóng góp khoảng 30% giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Theo phân tích của các chuyên gia, cơ chế, chính sách cho việc đổi mới khoa học công nghệ trong nông nghiệp cần có sự thay đổi lớn.
Đề cập thẳng thắn đến yếu tố khoa học công nghệ phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh: Khâu yếu kém nhất của ta hiện nay vẫn là bảo quản chế biến sau thu hoạch. Chính vì thế giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu không cao; giá trị gia tăng trong nông nghiệp còn hạn chế. Vì thế, cần có sự tập trung đầu tư về khoa học công nghệ cho nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản.
Gần đây, với những cố gắng của mình, Bộ Khoa học và Công nghệ đã dành một số chương trình quốc gia phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong 6 sản phẩm quốc gia được Chính phủ phê duyệt, có 3 sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đó là lúa gạo chất lượng cao, cá da trơn và nấm ăn, nấm dược liệu. Riêng đối với sản phẩm lúa gạo, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định sẽ có sự vào cuộc nhanh chóng.
“Chúng tôi rất mong các địa phương cùng Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, thông qua giống, thông qua chất lượng, thông qua các giá trị gia tăng và ứng dụng kết quả khoa học công nghệ. Bên cạnh đó cần có chỉ dẫn địa lý, có như vậy giá trị hàng nông sản của Việt Nam mới có thể tăng lên, trung bình 30 - 40%”, Bộ trưởng Quân khẳng định.
Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo và một số mặt hàng nông sản khác. Tuy nhiên, đã đến lúc phải xem xét lại những yếu tố giúp nông nghiệp tăng trưởng như tài nguyên, đất đai, nguồn nhân công… bởi những yếu tố này hiện nay đã không còn tác dụng quyết định.
Thay vào đó, “luồng gió” khoa học công nghệ mới chính là yếu tố then chốt để giúp nông nghiệp khẳng định giá trị của mình. Từ đó, giúp người nông dân tự hào và yên tâm sản xuất trên chính mảnh đất quê mình./.