Chính phủ trình QH phê chuẩn mức bội chi 249.362 tỷ đồng năm 2014
VOV.VN - Năm 2014 thu NSNN đạt 1.130.609 tỷ đồng, chi NSNN 1.339.489 tỷ đồng khiến tăng mức bội chi lên 249.362 tỷ đồng, bằng 6,33% GDP.
Thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo Nghị quyết tại kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khoá XIII (tháng 11/2013), Quốc hội quyết định nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2014 mức thu, chi trong cân đối NSNN bao gồm tổng số thu 782.700 tỷ đồng; Tổng số chi: 1.006.700 tỷ đồng, mức bội chi trong khoảng 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP. Các khoản thu, chi quản lý qua NSNN là 125.114 tỷ đồng cùng với nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại là 46.100 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá kết quả thu, chi NSNN năm 2014 cơ bản đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Quốc hội quyết định. |
Trong khi đó, qua quyết toán năm 2014, số đã chi lên tới 1.103.983 tỷ đồng, tăng 9,7% (97.283 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển (85.452 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA, nguồn bổ sung từ dự phòng ngân sách theo chế độ và nguồn năm trước chuyển sang.
Các khoản thu, chi quản lý qua NSNN năm 2014 đạt 132.292 tỷ đồng, bằng 105,7% (vượt 7.178 tỷ đồng) dự toán; trong đó thu học phí tăng 14.648 tỷ đồng; viện phí tăng 7.634 tỷ đồng do dự toán không giao nhưng thực tế có phát sinh. Đối với vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các công trình giao thông, thuỷ lợi quan trọng, trường học và bệnh viện, ký túc xá sinh viên đã được Quốc hội cho phép 100.000 tỷ đồng, trong năm đã giải ngân 85.793 tỷ đồng đạt 85,8% dự toán.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, qua quyết toán số bội chi NSNN năm 2014 là 249.362 tỷ đồng, vượt 25.362 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, bằng 6,33% GDP thực hiện, tăng so với dự toán 0,64% GDP do tăng chi từ vốn vay ngoài nước ODA 26.169 tỷ đồng (gồm cả một số nhiệm vụ chi thường xuyên theo chương trình mục tiêu), chủ yếu cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nên giải ngân cao hơn dự kiến và tăng chủ yếu cho lĩnh vực giao thông 6.630 tỷ đồng, thủy lợi 3.313 tỷ đồng, các địa phương 9.365 tỷ đồng nên theo quy định phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá: “Kết quả thu, chi NSNN năm 2014 cơ bản đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Quốc hội quyết định: Đảm bảo nguồn thực hiện nhiệm vụ theo dự toán ngân sách đã được Quốc hội quyết định, đồng thời có thêm nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm an ninh, quốc phòng”.
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2014 với mức tổng số thu cân đối NSNN là 1.130.609 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2013 chuyển sang năm 2014, thu kết dư NSĐP năm 2013, thu huy động đầu tư của NSĐP và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN).
Chính phủ cũng trình Quốc hội thông qua tổng số chi cân đối NSNN năm 2014 là 1.339.489 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015); Mức bội chi NSNN năm 2014 là 249.362 tỷ đồng, bằng 6,33% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 40.482 tỷ đồng)./.
Thẩm tra về quyết toán NSNN năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội – ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, báo cáo quyết toán NSNN năm 2014 của Chính phủ đã được Ủy ban TCNS chủ trì cùng các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, qua nhiều lần thảo luận và đã thống nhất trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2014 theo quy định của pháp luật.
“Năm 2014, cùng với thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế, hải quan, sự chỉ đạo và phối hợp tốt hơn trong công tác thu ngân sách của các cấp, các ngành, thu NSNN từ doanh nghiệp nhà nước vượt dự toán được giao, song với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, thu NSNN năm 2014 đã vượt 12,1% so với dự toán”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhận xét.
Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cũng đánh giá, công tác xây dựng và giao dự toán thu NSNN năm 2014 ở một số địa phương còn thiếu tích cực nên khi thực hiện có nhiều khoản thu đạt tỷ lệ cao, có khoản lại không đạt so với dự toán, ảnh hưởng đến cân đối và điều hành của các cấp ngân sách. Một số doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, công tác xử lý nợ đọng thuế chưa thực sự kiên quyết; thất thu ngân sách còn nhiều; Công tác quản lý, hạch toán thu NSNN còn xảy ra tình trạng xử lý chứng từ nộp NSNN chưa kịp thời.
Một số khoản chi của một số địa phương xây dựng dự toán chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế, không phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư ngoài nước chưa phù hợp... nên nhiều khoản chi vượt dự toán hoặc không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí nhưng ngược lại có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí.
Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều hạn chế, sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí…
Về bội chi NSNN, Ủy ban TCNS nhận thấy, tính đến 31/12/2014, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 46,1%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 38,3%, dư nợ công bằng 58,0% là trong giới hạn cho phép. Việc tăng bội chi so với dự toán đã được Quốc hội quyết định là do giải ngân vốn ODA năm 2014 cao hơn dự kiến 26.169 tỷ đồng.
Do đó, Ủy ban TCNS đề nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến chấp thuận và đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung 26.169 tỷ đồng vào dự toán chi NSNN năm 2014, đồng thời cho đưa vào quyết toán NSNN năm 2014 số tiền như Chính phủ đã trình Quốc hội phê chuẩn./.