Chinh phục vùng “bán sa mạc” ở Bình Thuận để làm nông nghiệp công nghệ cao
VOV.VN - Khu Lê Hồng Phong, thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận được biết đến là vùng đất đầy nắng, với phần lớn diện tích đất là “bán sa mạc”, nhưng sự khắc nghiệt ấy đang được tận dụng, phát huy thành lợi thế, thu hút các nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Quả ngọt giữa “bán sa mac”
Giữa vùng “bán sa mạc” đầy nắng và gió của huyện Bắc Bình, nhiều trang trại áp dụng công nghệ cao, canh tác trong nhà màng cùng hệ thống tưới nước tưới phân nhỏ giọt mọc lên san sát.
Anh Nguyễn Văn Minh, chủ trang trại Tiên Phong thuộc địa bàn xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình cho biết, nhận thấy cây dưa lưới thích hợp với thời tiết nắng nóng, cho nên anh đã chọn nơi đây để phát triển loại cây trồng này.
Bắt đầu đầu tư từ 2017, đến nay trang trại Tiên Phong đã có gần 50 nhà màng canh tác dưa lưới trên diện tích 7ha trong tổng số 26ha; tiến hành đào ao phủ bạt để tích nước vào mùa mưa, cùng với nguồn nước ngầm từ hệ thống giếng khoan, đáp ứng được khoảng một phần ba nhu cầu tưới tiêu. Song song đó, hệ thống thủy lợi từ Trạm bơm Sông Lũy đã giúp cơ bản giải quyết bài toán thiếu nước tưới vào mùa khô hạn.
Anh Minh cho biết thêm: "Hồ này tưới cho cả khu của mình, diện tích 50 x 50 mét, sâu khoảng 10 mét. Vào mùa mưa thì mình làm máng xối, dẫn nước từ nhà màng đổ về hồ. Sau đó mình bơm dự trữ, cộng với nước giếng bù qua nữa thì một cái hồ như vậy tưới cỡ khoảng trên một tháng. Nếu thời tiết ổn và mình quản lý cho cây dưa sinh trưởng tốt thì ho lợi nhuận cũng ổn. Đối với một nhà màng, tính hết đầu tư thì lợi nhuận cũng được 20% - 30%."
Bà Mãn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết, từ một vùng đất nắng cháy, đất đai khô cằn, gần 10 năm trở lại đây, nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp đã trồng thành công nhiều loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao như: thanh long, nho ngoại và đặc biệt là dưa lưới.
"Trên địa bàn xã, ngoài Tiên Phong còn có Công ty Soleil Farm, Công ty Vefa và một số farm nhỏ của các cá nhân người ta tự làm. Từ khi các tổ chức, cá nhân mở ra mô hình farm sản xuất dưa lưới, cũng như trồng một số cây như: ớt, bí… đã tạo được công ăn việc làm cho lao động địa phương", bà Hà nói.
Để giải quyết bài toán nước tưới trong mùa khô hạn ở vùng “bán sa mạc” này, cùng với việc chủ động dự trữ nguồn nước từ giếng khoan, công trình cấp nước khu Lê Hồng Phong được tỉnh Bình Thuận quan tâm đầu tư trong nhiều năm qua đi vào hoạt động, đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đất “bán sa mạc”.
Hệ thống thủy lợi kết nối với các vùng sản xuất ở khu vực “bán sa mạc” sẽ giúp diện tích gieo trồng được tưới tăng gấp đôi, điều này mang lại hy vọng cho sự phát triển nhiều trang trại nông nghiệp công nghệ cao với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Nhân rộng mô hình
Với định hướng nông nghiệp là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh Bình Thuận, trọng tâm phát triển là nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, ngoài việc đầu tư hệ thống thủy lợi, ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại, có giá trị gia tăng cao.
Kết quả đến nay, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Cụ thể, toàn tỉnh có trên 27.000ha cây trồng áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, trong đó có 274 ha cây táo, dưa lưới sản xuất trong nhà màng, nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách hiện có của Trung ương và địa phương, đặc biệt là Nghị định 57 của Chính phủ, Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với các ngành, địa phương làm tốt công tác quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, lồng ghép một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp, nhất là các chính sách hỗ trợ về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Ông Tấn cho biết thêm.
Bình Thuận là vùng đất đầy nắng gió, nhiều nơi thiếu nước vào mùa khô, nhưng với sự đầu tư đồng bộ về thống thủy lợi cùng sự quyết tâm chinh phục vùng “bán sa mạc” đã biến khó khăn thành lợi thế, khiến vùng đất hoang hóa ngày nào dần trở nên xanh mát, tốt tươi với những trang trại, nhà màng, cùng với những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao.