Chính quyền Đà Nẵng loay hoay với đất nông nghiệp bỏ hoang
VOV.VN - Người dân thiếu đất sản xuất nông nghiệp trong khi chính quyền địa phương lại loay hoay với các giải pháp hoàn thổ, khôi phục sản xuất.
Tại TP Đà Nẵng, hàng trăm ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang do ảnh hưởng của nhiều dự án và và quá trình khai thác khoáng sản. Người dân thiếu đất sản xuất trong khi chính quyền địa phương lại loay hoay với các giải pháp hoàn thổ, khôi phục sản xuất.
Những ngày này, hàng chục ha ruộng của người dân thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vẫn đang bị bỏ hoang, nhiều đám ruộng khô cháy do thiếu nước. Vào mùa mưa, đất, đá từ các mỏ khai thác khoáng sản liên tục chảy xuống lấp đầy ruộng đồng gây khó khăn cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Pháp ở thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang than thở: “Dân ở đây quá khổ mỗi khi trời mưa lụt làm nước chảy kéo theo đất đá từ mỏ xuống. Mỗi năm người dân ở đây chỉ làm được 1 vụ nhưng phải tốn rất nhiều công sức dọn ruộng, giữ cây trồng, Ở đây có vợ, có chồng thì đăng ký kết hôn được nhưng xã không cho làm nhà”.
Việc hoàn thổ, trả lại đất sản xuất cho người dân gặp nhiều khó khăn. |
Theo ông Trần Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, xã có hơn 50 ha đất nông nghiệp bỏ hoang hoặc sản xuất bấp bênh do ảnh hưởng của 33 dự án và mỏ khai thác khoáng sản. Trong đó, khoảng 30 ha bị bồi lấp do hoạt động khai thác đất, đá gây ra. Ông Thu cho rằng, việc cải tạo và hoàn thổ để người dân có đất canh tác vẫn còn rất khó khăn.
“Đất canh tác thường bị bồi lấp trở nên bạc màu, nghèo dinh dưỡng nên cây trồng khó phát triển. Các mỏ khai thác còn tồn tại nên nếu có cải tạo được ruộng đất nhưng cứ có mưa lớn, đất vẫn tiếp tục bị rửa trôi nên sẽ không hiệu quả”, ông Thu cho biết.
Đến nay, TP Đà Nẵng đã đóng cửa, dừng khai thác 18 mỏ, còn lại 17 mỏ đang hoạt động. Trước khi được cấp phép, các chủ mỏ đều phải ký quỹ phục hồi môi trường tùy theo quy mô và trữ lượng khai thác. Từ nay đến năm 2020, TP Đà Nẵng sẽ phân kỳ lập thủ tục thu hồi đất nông nghiệp không sản xuất được để chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho hay, đối với những dự án được phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, thành phố sẽ sử dụng tiền ký quỹ cho công tác phục hồi môi trường, xử phạt nghiêm những chủ mỏ có biểu hiện chây ỳ, thực hiện không đúng quy định./.
Cận cảnh bãi đất bỏ hoang 20 năm được cải tạo thành sân chơi cộng đồng